Ý chí của một Bí thư đoàn

Lâu nay người dân xã Thanh Phong (Nghệ An) vẫn gọi vui anh Trần Văn Mai bằng cái tên "Mai đoàn” và giờ đây bà con nơi đây quý mến suy tôn anh thêm biệt danh "vua trại” vì ngoài ông chủ trang trại làm kinh tế hiệu quả tạo nhiều việc làm cho lao động trong thôn, anh còn là Bí thư đoàn năng động giúp hàng trăm gia đình, đoàn viên vượt khó vươn lên làm giàu.
Anh Trần Văn Mai chăm bón  những thửa rau sạch trong trang trại
Chúng tôi tìm về nhà anh Trần Văn Mai ở xóm 2A xã Thanh Phong vào một buổi chiều khi bà con đang nô nức trong không khí xây dựng nông thôn mới.  Chỉ vài câu hỏi thăm đường thông lệ chúng tôi nhận nhiều câu trả lời khá nhiệt tình của một chị nông dân "Ôi! "vua trại” ai chả biết, để tôi dẫn chú vào nhà”. 
 
Anh Mai sinh năm 1981 trong gia đình nông dân, đông con nên kinh tế hết sức khó khăn. Mọi nguồn thu nhập đều  trông chờ vào 4 sào ruộng. Chính vì muốn thoát nghèo nên 4 anh chị em của Mai sau khi học xong đều theo người trong làng tha hương cầu thực, làm thuê cuốc mướn. Mỗi ngày đi cuốc cỏ cũng chỉ đủ cho chi phí ăn uống, chi tiêu ở nơi đất khách quê người. 
 
"Nghĩ về cuộc đời mình giống như  lá bèo trước sóng cả bao la. Tôi đã thấm "con chim bay mãi rồi cũng mỏi cánh, con ngựa chạy mãi rồi cũng chùn chân”. Trong lúc đó ở quê nhà đất đai lại rộng, lực lượng lao động lại nhiều, có tiềm năng về phát triển kinh tế, từ đó tôi quyết định trở về quê hương lập nghiệp...”, anh Mai nhớ lại. 
 
 Ngày trở về, anh em bạn bè ai cũng cho là gàn dở, nhưng Mai đã kiên định với mục đích của mình: phải làm giầu trên chính mảnh đất của quê hương.
 
Đây tạm gọi là "chân lý” sau quá trình bươn chải khắp nơi kiếm sống của chàng trai trẻ  Trần Văn Mai. Năm 2009, anh Mai vận động các hộ có đất tại đồng Cây Trâm, thuộc xóm 2A là diện tích đất sản xuất kém hiệu quả chuyển đổi cho gia đình. Sau đó anh đã lập kế hoạch trình UBND xã và Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện xin thành lập trang trại tổng hợp trên mảnh đất cằn cõi bạc màu ấy. 
 
Ngày đầu mới thành lập với anh trước mắt là bộn bề khó khăn như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu khoa học kỹ thuật, thiếu sự ủng hộ của gia đình vì anh hiểu hơn bao giờ hết một gia đình nghèo như thế ở quê lấy đâu ra 200 triệu đồng để đầu tư làm kinh tế. Anh đã mạnh dạn thế chấp sổ đỏ để vay 100 triệu đồng từ ngân hàng chính sách, tận dụng nguồn vốn quỹ thanh niên lập nghiệp của huyện đoàn Thanh Chương, ngoài ra Mai đã vay mượn thêm bạn bè để mở trang trại chăn nuôi. 
 
Thấy Mai vay một lúc với số tiền lớn như vâỵ gia đình ai cũng phản đối, nhưng với bản lĩnh của tuổi trẻ và khát khao làm giàu anh quyết định  đầu tư vào trang trại với tổng diện tích mô hình là: 1,5ha, trong đó diện tích hồ nuôi cá: 0,5ha, diện tích trồng rau sạch và trồng hoa: 0,4 ha; hệ thống chuồng chăn nuôi lợn 40 chuồng với tổng số 100 con/ lứa, hàng năm cho ra thị trường 26 tấn lợn thịt. 
 
Đến nay trang trại đã đi vào hoạt động ổn định và từng bước phát triển. Tổng doanh thu của trang trại, trừ chi phí thu lãi từ 100-120.000.000 đồng/năm. Với mức thu nhập như thế ở một vùng quê nghèo đã là chuyện trong mơ với nhiều người. 
 
Không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình, tạo ra việc làm mới cho các lao động tại địa phương, trang trại của anh Mai góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.
 
Nói về những nỗ lực mà đoàn viên Trần Văn Mai đã làm được, anh Phan Sỹ Đức - Bí thư huyện Đoàn cho biết "Đoàn viên Trần Văn Mai là một người giàu ý chí, có nghị lực. Ban Thường vụ huyện đoàn cũng xác định  đây là một mô hình  vay vốn có hiệu quả của tổ chức Đoàn và từ mô hình này chúng tôi muốn nhân rộng trên toàn huyện”. 
Tuấn Đức
theo daidoanket