Trồng điều kết hợp chăn nuôi

Trồng điều kết hợp chăn nuôi
Nông dân Lý Ngọc Phúc (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đã thu được hiệu quả kinh tế cao nhờ biết kết hợp trồng điều và nuôi heo, gà thả vườn…

Sau 23 năm gắn bó với cây điều, anh Lý Ngọc Phúc vẫn có thu nhập đều đặn nhờ năng động trong việc kết hợp cây - con trong vườn điều một cách khoa học.

Anh sinh ra ở TPHCM, nhưng khi bước vào tuổi trưởng thành, hoàn cảnh đưa đẩy anh đến huyện Thống Nhất để lập nghiệp. Ở đây anh cưới vợ và mua được 5.000 m2 đất rẫy ở xã Hưng Lộc để trồng bắp, sau đó trồng cà phê. Do khu vực này thường xuyên thiếu nước nên cà phê không sinh trưởng được. Anh liền bán số rẫy trên và tìm đến xã Bàu Hàm 2 mua hơn 1 ha rẫy tiếp tục trồng cà phê.

Anh kể: “Trồng cà phê quan trọng nhất là phải có nước, vì thế tôi phải khoan giếng sâu 47 m. Vậy nhưng, nhiều lần ngồi chờ bơm nước nóng cả ruột mà nước bơm lên rất ít. Vì thiếu nước nên gần 5 năm trồng cà phê, tôi lại đón nhận sự thất bại, chán nản vô cùng.

Giữa lúc này có phong trào trồng điều, tôi liền làm theo. Cây điều quả cũng lạ, có sức sống mãnh liệt, không chỉ chịu được nắng hạn, thiếu nước mà cả đất cằn cỗi bạc màu vẫn sống khỏe. Vườn điều của gia đình tôi nhanh chóng thu được hạt chỉ sau vài năm kiên trì chăm sóc!”.

Theo Cục Trồng trọt, cây điều sẽ được quan tâm hỗ trợ tối đa để phát triển đúng với tiềm năng. Trong đó, chương trình tái canh, cải tạo khôi phục vườn điều có vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ hội để nâng cao chất lượng vườn điều, tăng năng suất, hiệu quả và xác định vị thế cây điều trong cơ cấu cây trồng nước ta.
Cục Trồng trọt cũng tham mưu Bộ NN-PTNT trình Chính phủ sớm ban hành quyết định về một số chính sách hỗ trợ trồng mới, tái canh bằng giống điều có năng suất, chất lượng cao và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

Anh Phúc cho biết, thuận lợi lớn nhất là cây điều ít công chăm sóc. Ví dụ như làm cỏ, chỉ vài năm đầu, sau khi lớn cành giao nhau, coi như không phải làm cỏ. Rồi bỏ phân cũng chỉ 2 đợt/năm, đợt 1 thu hoạch xong, đợt 2 sắp hết mùa mưa bón phân NPK kêt hợp với phân chuồng. Đặc biệt, để tăng thu nhập, anh Phúc còn có sáng kiến chăn nuôi heo gà trong vườn điều. Hiện tại, anh nuôi tới 100 con heo và 200 con gà thả vườn.

“Ngoài thu tiền bán heo gà, tôi còn tận dụng được phân hữu cơ để bón cho cây điều, vừa giảm được chi phí vừa giúp đất không bị bạc màu”, anh nói.

Do biết kết hợp các yếu tố kỹ thuật trồng, chăm sóc nên đến nay 1 ha điều của anh mặc dù đã hơn 20 năm tuổi vẫn cho năng suất trên dưới 1,5 tấn. Tuy điều so với các cây trồng khác thường bị so sánh hiệu quả kinh tế không cao, nhưng nhờ biết kết hợp mô hình điều - heo - gà nên gia đình anh Phúc có thu nhập khá.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài mô hình của anh Phúc, xã Bàu Hàm 2 có vùng chuyên canh điều rộng gần 70 ha ở Đồi Đỏ, nhưng do không được đầu tư nên SX vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún.

Anh Phúc cho biết, muốn hiệu quả hơn thì người trồng điều ở đây cần phải linh hoạt trong cách nghĩ, cách làm. Phải chăm sóc, cải tạo lại vườn điều để tăng năng suất, chất lượng; đồng thời kết hợp chăn nuôi để có thêm thu nhập.

“Nhà nước cần tiếp tục có thêm chính sách để hỗ trợ cho bà con nông dân như vốn, giống, kỹ thuật để hỗ trợ cây điều phát triển. Tôi thấy rằng, nhờ có chính sách tốt mà cây thanh long ở ngay vùng cát nóng Bình Thuận, Ninh Thuận đã trở thành cứu cánh giúp nhiều nông dân khá giả.

Vậy không lý gì người trồng điều ở vùng đất Đồng Nai, Bình Phước lại không vực dậy cây điều hiệu quả hơn, khi được quan tâm đúng mức. Nếu có chính sách tốt và giá ổn định, thì điều không chỉ là cây thoát nghèo mà chắc chắn có thể giúp nhiều nông dân làm giàu”, anh Phúc khẳng định.

Đồng Nai có khoảng 47.000 ha trồng điều tại các huyện Xuân Lộc, Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, Cẩm Mỹ, sản lượng đạt trên 50.000 tấn, năng suất bình quân 1,1 tấn/ha. Lợi nhuận bình quân của người trồng điều ước khoảng 20 triệu đ/ha. Mặc dù lợi nhuận cây điều chưa cao, nhưng đây là cây có khả năng phát triển tốt trên vùng đất xám bạc màu và không chủ động được nước tưới.

Nguồn: nongnghiep.vn