1001 cách làm ăn: Trồng dầu rái

Ở TP.Hồ Chí Minh, dọc theo các tuyến phố lớn ta đều thấy những cây dầu rái cao lớn, thân thẳng, tán chót vót trên cao. Nó là loại cây trồng xếp trong số những cây trồng tốt nhất cho đường phố.

Không riêng gì ở TP.Hồ Chí Minh, mà ở rất nhiều tỉnh ở phía Nam, ta đều bắt gặp loại cây này, nó kéo dài từ Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh ra Bình Thuận, Ninh Thuận rồi đến tận Quảng Bình và dọc cả Tây Nguyên từ Lâm Đồng lên tới tận Kon Tum.

 

Bà con nông dân mua cây dầu rái giống tại quận Thủ Đức, TP HCM. 

Ở Hà Nội cũng có cây dầu rái. Nó được trồng ngay trên đại lộ Hùng Vương đi ngang qua Lăng Bác.

Ngày trước, ta dự định đưa cây chò ở Phú Thọ về trồng trên con phố này. Tuy nhiên, tiểu khí hậu ở quảng trường không phù hợp nên nó sinh trưởng và phát triển rất kém. Giáo sư Lâm Công Định mới quyết định đưa cây dầu rái ra thay thế.

Vì vậy, có lẽ ai tới đây cũng nhìn thấy nó mà không biết tên là gì. Đấy chính là những cây dầu rái đưa từ miền Nam ra trồng quanh Lăng Bác.

Dầu rái còn có tên là dầu con rái, dầu nước và dầu sơn. Nó là cây gỗ lớn, cao tới 40-50m, thân thẳng và tròn, phân cành cao, đường kính của cây nơi ngang ngực có thể từ 2-2,5m. Quả non màu xanh có 2 cánh. Khi quả đã già nó sẽ chuyển sang màu cánh gián. Lúc rơi xuống đất, 2 cánh sẽ xòe ra để đưa quả đi xa hơn theo gió.

Dầu rái ưa đất ẩm sâu và thoát nước, có thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến sét trung bình và độ pH 4,5-5,5. Dầu rái là cây ưa sáng nhưng giai đoạn 1 năm đầu nó cần che bóng tới 50%.

Dầu rái được trồng làm cây bóng mát đường phố và trồng thành rừng để lấy gỗ và lấy nhựa. Gỗ dầu rái có giác lõi ít phân biệt, không bạnh vè, mấu, mắt hoặc rỗng ruột nên được dùng trong xây dựng hoặc dán lạng. Dầu rái cho ta một nguồn nhựa khá lớn. Nó có thể thay thế cho côlôphan trong công nghệ chế sơn, vecni, mực in...

Nó còn được dùng để xảm thuyền, gắn kính... lá, hoa và vỏ cây đều được dùng để tinh chế tanin và một số dược liệu khác.

Để có cây dầu rái, ta cần thu nhận các quả chín rụng xuống. Mỗi kg có thể được 210-230 quả. Hạt của chúng rất dễ mất khả năng nảy mầm nếu để lâu (từ 10-15 ngày). Vì vậy, phải xử lý ngay hoặc giữ trong cát ẩm các quả mới thu.

Ta ngâm quả vào nước trong 6 giờ, rồi cắt cánh của hạt và ủ rơm. Hàng ngày nhớ phun ẩm cho chỗ ủ hạt. Chỉ 5 ngày là hạt nứt nanh hoặc đã nhú mầm.

Ta bứng ra và trồng nó vào các túi bầu đã chuẩn bị sẵn từ trước (đó là các túi P.E được chọc thủng đáy và ở cả xung quanh túi).

Ta đặt hạt ngang hoặc nghiêng 45o rồi lấp đất dày 2cm. Phủ lên trên trấu hoặc vỏ cà phê đã đốt và để nguội. Tưới ẩm thường xuyên.

Ta dùng giàn che để che bớt 50% ánh sáng. Ta có thể lấy cây đã cao từ 25-30cm hoặc cây cao từ 50-60cm để đưa đi trồng.

Thời vụ trồng sớm nhất là vào 15.7 và kết thúc chậm nhất là 30.7. Khi trồng, ta nhớ xé bỏ vỏ bầu.

Ta phải chăm sóc cây trong 3 năm đầu, chủ yếu là làm cỏ và vun gốc. Sau đó, để cây phát triển tự nhiên. Sau 8-10 năm, ta tiến hành tỉa thưa để cho cây mở tán và phát triển mạnh.

Theo danviet.vn