1001 cách làm ăn: Trồng quýt
- Thứ hai - 27/10/2014 06:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
TS Phan Xuân Thanh - Phó Tổng thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam điện gấp ra cho tôi; ông hối thúc tôi phải vào ngay trong Nam để đi thăm vùng trồng quýt hồng của bà con.
Ông cho biết, giống quýt hồng rất sai quả, mẫu mã đẹp, chất lượng ngon. Trên diện tích 100m2 cũng có thể thu tới 20 triệu đồng. Vậy, 1 sào Nam Bộ (1.000m2) ta có thể thu tới 200 triệu. Như vậy là vượt xa cả cà phê và nhiều loại cây khác. Ông sốt ruột vì trong cơ chế chuyển đổi mà nhiều nơi, bà con vẫn làm ăn theo lối cũ, không dám bứt phá. Ông cằn nhằn: “... Trồng quýt thắng như vậy mà sao nhiều nơi không chịu đến để học tập?!”. Tôi hiểu tâm trạng ông, ông sốt sắng trước những tiềm năng to lớn mà chúng ta chưa khai thác hết...
Tôi nhớ, dịp đến thăm trang trại “Phương Mai” ở Đơn Dương (Lâm Đồng) tôi đã được thưởng thức giống quýt không hạt ngon tuyệt. Đó là giống quýt mà ông chủ (một Việt kiều ở Australia) đã đưa từ nước ngoài về. Bác cũng mong muốn dân ta chỉ nên trồng các giống cây ăn quả có giá trị cao nhất. Bác đã đưa về các giống cam, chanh, quýt đều không có hạt mà nhiều giống còn cho quả quanh năm. Nếu bà con mình ở khắp nơi mà tiếp xúc được với các giống này thì... rất dễ đổi đời!
Quýt là cây thuộc nhóm thân gỗ, có chiều cao từ 3-5m, tán tròn đều, lá bầu dục không có lông và chỉ có từ 1-3 hoa ra ở nách lá. Đến mùa cây ra rất nhiều hoa nhưng tỷ lệ hoa rụng cũng rất lớn. Tuy nhiên, với số lượng quả đã đậu và còn trên thân thì cũng là rất nhiều rồi, lúc chín, chúng vàng chóe cả cây. Sản lượng của quýt có khi còn cao hơn cả cam. Trái quýt có hình tròn hơi dẹt, đáy tròn, cuống lõm. Tùy từng giống mà vỏ của chúng có thể có màu vàng, màu xanh hoặc màu đỏ vàng.
Quýt trồng được ở mọi nơi, mỗi vùng lại có những giống riêng như: Quýt đường, quýt tiều, quýt ta, quýt Tích Giang, quýt Lạng Sơn... Tuy nhiên, trong cơ chế hội nhập hiện nay, bà con ta nên chọn cho kỹ. Có khi đưa các giống tốt từ nơi khác về lại thích hợp và cho ta thu nhập gấp bội. Tôi đã thấy ở Lạng Sơn người ta đưa cả bưởi da xanh ra trồng. Cây đã cho quả và quả cũng rất ngon. Tất nhiên ở mỗi vùng, ta nên có các khảo nghiệm kỹ càng.
Quýt dễ trồng, đất nào cũng có thể mọc được. Tuy nhiên, nó thích nhất là đất giàu mùn, tơi xốp, thoáng khí, giữ ẩm tốt nhưng không bị ứ nước, độ pH trung tính và tầng canh tác phải dày ít nhất 1m. Không nên trồng nó trên những vùng đất sét nặng vì quả sẽ bị chua, trái thô, vỏ dày và sẽ chín muộn.
Rễ quýt là loại rễ nấm. Nó hút chất dinh dưỡng qua một hệ nấm cộng sinh. Vì vậy, nếu bị ngập úng thì trong đất sẽ thiếu ôxy làm cho bộ rễ hoạt động kém, cây bị vàng lá, rụng lá và có thể chết. Do đó, nên trồng nó trên vạt đất cao, hơi dốc thì tốt hơn.
Giống với các cây trong nhóm cây có múi, ta nên nhân giống quýt bằng các phương pháp vô tính để giữ được các tính trạng tốt. Muốn có quýt không hạt, xin liên hệ với Công ty Phương Mai (đt: 0916.507.777) ở Đà Lạt. Hy vọng, quýt sẽ là một mặt hàng mạnh của chúng ta để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Theo danviet.vn