15.000ha rừng được chứng nhận bởi PEFC, gỗ Việt thêm cơ hội
- Thứ hai - 09/12/2019 17:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô
Lâm sản là ngành hàng xuất khẩu quan trọng thứ 6 của Việt Nam và liên tục có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 13%/năm trong giai đoạn từ năm 2010-2018.
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, trong thời gian qua ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đã đạt được những bước tăng trưởng khả quan. Năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu lâm sản của Việt Nam đạt trên 9,3 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017; giá trị xuất siêu đạt 6,99 tỷ USD. Trong 11 tháng đầu năm 2019, ước đạt 10,19 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018, dự kiến kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả năm 2019 đạt 11 tỷ USD.
Thủ tướng Chính phủ thăm một doanh nghiệp chế biến gỗ. Ảnh: T.L
PEFC là hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững lớn nhất thế giới với diện tích trên 308 triệu ha, chiếm 60% diện tích rừng có chứng chỉ trên toàn thế giới. PEFC được thành lập năm 1999, với mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ rừng tại quốc gia, khu vực và toàn cầu, thông qua việc hợp tác và hỗ trợ các quốc gia thành viên xây dựng và vận hành hệ thống chứng chỉ rừng của mỗi quốc gia. Việt Nam là thành viên thứ 50 trong tổng số 51 quốc gia thành viên của PEFC. |
Nguồn nguyên liệu phục vụ ngành chế biến gỗ, sản phẩm gỗ chủ yếu khai thác từ rừng trồng trong nước và nhập khẩu. Năm 2018, tổng sản lượng gỗ phục vụ cho chế biến gỗ, sản phẩm gỗ là 35,9 triệu m3.
Theo ông Cao Chí Công - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT): Mặc dù kim ngạch xuất khẩu gỗ những năm vừa qua tăng trưởng cao, nhưng các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu thuộc nhóm sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp.
15.000ha sẽ được dán nhãn PEFC
Sự tăng trưởng nhanh chóng và bền vững của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam có liên quan mật thiết tới khả năng của Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, tính hợp pháp, các yếu tố môi trường và xã hội của các nước phát triển - là thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm đồ gỗ Việt Nam.
Hiện nay, hơn 80% nguyên liệu sản xuất đồ gỗ có chứng chỉ của Việt Nam vẫn là nhập khẩu. Điều này đặt ra câu hỏi cấp thiết là làm thế nào để gia tăng nguồn cung trong nước về gỗ có chứng chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và gia tăng giá trị của ngành lâm nghiệp và công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam.
Trước đó, dưới sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đã hợp tác Chương trình chứng nhận CCR (PEFC) để xây dựng Hệ thống CCR Việt Nam (VFCS).
Dự kiến, vào quý II/2020, Hệ thống CCR Việt Nam sẽ được chứng thực bởi PEFC. Điều đó có nghĩa hệ thống CCR quốc gia Việt Nam sẽ được quốc tế công nhận đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý và khai thác rừng bền vững.
Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty AA, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA) cho rằng, VFCS/PEFC vận hành sẽ góp phần cho việc quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị, dịch vụ môi trường rừng.
Đặc biệt VFCS/PEFC sẽ là một giải pháp cho việc gia tăng nguồn cung trong nước về gỗ có chứng chỉ và hợp pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Hiện nay, VFCS đang tiến hành các dự án thí điểm thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS cho rừng keo lai và rừng cao su. Dự kiến, cuối năm 2019, hơn 15.000ha rừng sẽ được cấp chứng chỉ VFCS, tiến tới được dán nhãn PEFC sau khi hệ thống VFCS được PEFC công nhận.
Theo Nguyễn Quỳnh/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/15000ha-rung-duoc-chung-nhan-boi-pefc-go-viet-them-co-hoi-1039534.html