8X bỏ việc ở thành phố về quê tính làm giàu khi làm ra thứ này
- Thứ tư - 25/09/2019 08:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đau đáu sản phẩm quê hương.
Tốt nghiệp khoa Kinh tế của trường Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, sau 3 năm đi làm, năm 2016, anh Thành quyết định trở về quê mở xưởng sản xuất hương trầm. Anh là người đầu tiên mở xưởng sản xuất hương trầm trên địa bàn huyện Hương Khê.
Cơ sở sản xuất hương trầm Phúc Trạch của anh Thành. Ảnh: N. Duyên.
Nói về quyết định về quê làm hương trầm của mình, anh Thành chi biết: Thời còn đi làm trong nam, tỉnh thoảng anh em đồng hương ngồi trò chuyện với nhau và trăn trở: Ở quê hương có cây gió trầm rất có giá trị kinh tế, tuy nhiên hiện chỉ mới được bán ở dạng nguyên cây, bán quạ nên chưa thật sự phát huy hết hiệu quả kinh tế. Trong khi đó, những người ở Huế, Khánh Hòa.. đến mua về họ chế biến ra được rất nhiều loại sản phẩm và khai thác được hết giá trị kinh tế của cây gió trầm.
Hương sau khi được làm xong sẽ loại bỏ những que không đạt chuẩn. Ảnh: N. Duyên.
Đưa trăn trở trao đổi với mẹ ruột, được mẹ động viên, chỉ hướng đi anh quyết định về mở xưởng để làm hương trầm. Như vậy, anh đã có hướng đi cho bản thân mình.
Việc sản xuất hương bằng cây gió trầm vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, vừa nâng tầm giá trị của của cây gió lên gấp nhiều lần. Lâu nay, những cây gió trầm được các thương lái thu mua và vận chuyển đưa đi nơi khác chế biến, tiêu thụ.
Lúc quyết định mở xưởng, anh đã đi tham quan các cơ sở chế biến trầm tại các tỉnh như Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế…Ngày nhỏ, mẹ anh có theo ông ngoại đi làm hương trầm nên cũng có nhớ một ít nguyên liệu, công thức nên mẹ cho công thức để làm.
"Lúc đầu làm thử, chỉ dùng cối để dã, sản phẩm làm ra khi đốt lên cũng có mùi thơm. Sau đó, tôi mua máy về để làm. Năm đầu tiên bước vào sản xuất hương trầm do chưa có kinh nghiệm nên mẫu mã sản phẩm làm ra xấu, rồi bị nứt, đốt không cháy… lúc đó tâm lý rất chán nản. Nhưng được sự động viên của bố mẹ, người thân và đặc biệt khi sản phẩm của tôi tham dự triển lãm tại lễ kỷ niệm 150 năm thành lập huyện Hương Khê đã được các quan khách đánh giá cao, được các bác lãnh đạo động viên …. nên tôi lại có thêm động lực và quyết tâm" - anh Thành tâm sự.
Sau đó, quá trình làm anh hoàn thiện dần mẫu mã, chất lượng… nay hương trầm do anh sản xuất đã được người tiêu dùng đánh giá cao.
...rồi được đưa phơi dưới nắng vừa. Ảnh: N. Duyên.
Sản xuất theo hướng hương an toàn
"Ngay từ khi xuất hiện ý tưởng sản xuất hương tôi phải nghĩ ngay đến việc sản xuất ra sản phẩm vừa phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho chính bản thân, vợ con và người tiêu dùng" - anh Thành nói.
Những sản phẩm của cơ sở hương trầm Phúc Trạch. Ảnh: N. Duyên.
Với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, anh Thành đã đầu tư phương tiện máy móc để sản xuất cây hương theo phương thức hoàn toàn mới mà nguyên liệu hoàn toàn được lấy từ cây gió bầu. Chân hương là những cây luồng chẻ nhỏ không nhuộm, ướp phẩm màu công nghiệp mà anh tận dụng những vật liệu sẵn có tại địa phương như củ mài trong rừng để nhuộm chân hương thành màu nâu. Các nguyện liệu để làm hương cũng không nhuộm phẩm màu hay hương liệu công nghiệp mà dùng các loại thảo mộc là các loại cây rừng để tránh độc hại.
Những sản phẩm hương trầm cao cấp. Ảnh: N. Duyên.
Trở về quê, anh Thành cùng người chị họ đã tận dụng đất vườn của gia đình, huy động vốn từ bố, mẹ, anh em, vay thêm ngân hàng ... đầu tư hơn 400 triệu đồng để xây dựng khu nhà xưởng và hệ thống máy móc, làm xưởng để sản xuất hương.
Năm 2016, anh Thành bắt đầu sản xuất những mẻ hương đầu tiên. Sau khi có mặt trên thị trường, sản phẩm có giá thành đắt hơn so với các loại hương khác nhưng lại được người tiêu dùng ưa chuộng. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, anh đã liên kết được với các doanh nghiệp trên địa bàn như Doanh nghiệp Tân Thanh Phong, cửa hàng của Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh và tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Xưởng vừa sản xuất hương que vừa sản xuất hương nụ. Ảnh: N. Duyên.
Hiện nay, sản phẩm hương trầm Phúc Trạch của anh Thành được tiêu thụ trên khắp thị trường cả nước. Thậm chí còn ra cả nước ngoài. Anh còn phối hợp với chùa Vạn Phúc tại Vũng Tàu để sản xuất hương. Máy móc được đặt tại chùa, anh chỉ việc gửi bột vào nhà chùa sản xuất rồi họ lại gửi thành phẩm ra để anh bán. Vào dịp tết nguyên đán, anh không đủ sản phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng.
Thời điểm mới bắt tay vào sản xuất, xưởng chỉ có anh cùng bố mẹ đẻ làm, đến nay xưởng luôn có 6 lao động làm việc. Những tháng giáp tết anh còn phải thuê thêm 5 lao động thời vụ.
Nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương (tận dụng được cả những cây héo, chết ..) khi có nguyên liệu người ta chở đến hoặc mình đến tận nơi, sau khi kiểm tra nếu đảm bảo chất lượng thì anh nhập vào.
Những thân cây gió trầm được chọn lựa để làm hương trầm. Ảnh: N. Duyên.
Thông thường những ngày mưa gió không sản xuất được, anh tranh thủ mua và chuẩn bị nguyên liệu dự trữ để khi thời tiết cho phép là đi vào sản xuất.
Nếu thời tiết thuận lợi thì mỗi ngày anh Thành sản xuất được 300 thẻ hương (mỗi thẻ 45 que).
Đặc điểm của việc sản xuất hương trầm là sau khi làm xong thì phải được phơi dưới nắng vừa. Để cây hương khô nhưng không bị nứt và bảo vệ được các tinh dầu thơm của nguyên liệu làm hương. Nên việc sản xuất vẫn phải phụ thuộc vào thời tiết.
Chủng loại hương cũng khá phong phú, có cả hương que, hương nụ với nhiều mức giá từ bình dân (giá 25 ngàn đồng/ búp) và hương cao cấp (giá từ 100 đến 500 ngàn đồng/ búp hoặc hộp).
“Tới đây, sau khi tham gia OCOP thì sản lượng hương làm ra phải nhiều hơn, nhưng nếu phụ thuộc vào thời tiết thì sẽ không đủ. Còn đầu tư hệ thống sấy thì số lượng tăng nhưng chắc chắn chất lượng hương sẽ bị ảnh hưởng. Vì khi đưa vào sấy, nhiệt độ cao sẽ đốt cháy các tinh dầu tự nhiên có sẵn trong gió trầm” - Anh Thành lo lắng.
Trao đổi với DANVIET.VN, ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho hay: Anh Thành là một thanh niên người địa phương, dù đã học đại học và có việc làm tại thành phố nhưng anh đã trở về địa phương để đầu tư phát triển. Cơ sở sản xuất của anh Thành được địa phương cũng như cấp trên đánh giá rất cao.
"Cơ sở đã gps phần tiêu thụ sản phẩm tại địa phương; có sản phẩm cho người địa phương sử dụng; đặc việt là cả sản phẩm cũng như cơ sở sản xuất không độc hại, không ô nhiễm môi trường. Hiện nay, sản phẩm hương trầm của anh Thành đang được xay dựng hồ sơ để tham gia vào chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP. Và là một trong 10 sản phẩm chỉ đạo điểm của Hà Tĩnh về sản phẩm OCOP...", ông Trần Quốc Khánh. |
http://danviet.vn/nha-nong/8x-bo-viec-o-thanh-pho-ve-que-tinh-lam-giau-khi-lam-ra-thu-nay-1015821.html