An Giang: Cả làng sống khỏe re nhờ làm thứ đến...Tây cũng mua
- Thứ sáu - 05/10/2018 10:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhắc đến bó chổi, nhiều người còn hồi tưởng cảnh đi hái bông sậy giữa mùa nước nổi về chia từng nhánh nhỏ, phơi rồi mới làm ra thành phẩm. Đó là chuyện của mấy chục năm trước, ở làng nghề bó chổi bông sậy Cồn Nhỏ (xã Phú Bình, Phú Tân, An Giang) hiện nay, sản phẩm chổi được sản xuất quanh năm, không khí luôn nhộn nhịp, toát lên một sức sống sung túc.
Nhịp độ sản xuất ở làng nghề bó chổi Cồn Nhỏ, ấp Bình Thành, xã Phú Bình, huyện Tân Phú, tỉnh An Giang tất bật quanh năm.
Nghề bó chổi tập trung nhiều nhất tại ấp Bình Thành, qua khỏi cổng làng nghề, cứ 10 nhà có đến 9 nhà bó chổi. Chổi bông cỏ bó quanh năm, còn bông sậy chỉ bó từ tháng 6 đến tháng 9 (âm lịch) và mua nguyên liệu tận miệt thứ mới có.
Năm 2006, làng bó chổi bông sậy Cồn Nhỏ được UBND tỉnh công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Những cơ sở lớn và tồn tại đến hàng chục năm phải kể đến như hộ ông Nguyễn Thanh Hùng, ông Nguyễn Ngọc Ẩn, ông Cao Văn Mứt, luôn có 10-15 lao động tại chỗ và hàng chục lao động nhận nguyên liệu về bó ở nhà.
Các bậc cao niên kể lại, thuở trước, ở xứ Cồn Nhỏ lau sậy mọc um tùm, giữa mùa nước nổi người dân đi hái bông sậy về phơi khô rồi bó thành chổi sử dụng trong nhà. Người này chỉ cho người kia, việc bó chổi trở thành nghề mưu sinh của nhiều gia đình kể từ đó. |
Ngoài ra ở Cồn Nhỏ còn có hàng trăm cơ sở sản xuất theo hộ gia đình, giải quyết việc làm cho khoảng 800 lao động. Không chỉ là sinh kế ổn định cho người dân địa phương, việc bó chổi còn tạo thu nhập cho nhiều lao động ở các xã lân cận đến làm gia công.
Bà Huỳnh Thị Thanh Thúy (chủ một cơ sở bó chổi) cho biết, hiện nay các hộ đang tập trung thu mua nguyên liệu, từ tháng 10 trở đi, việc bó chổi mới tăng tốc để chuẩn bị đủ lượng hàng cung ứng thị trường Tết.
Mỗi nguyên liệu phải mua từ các vùng khác nhau, như: cán chổi làm từ trúc, bẹ dừa mua ở Bến Tre, bông cỏ mua vùng Tây nguyên, nguyên liệu phụ mua tại TP. Hồ Chí Minh…
Trong gia đình của bà Thủy, từ chồng, vợ đến các con đều thành thạo công việc nhưng vẫn phải thuê thêm nhân công mới làm đủ số lượng giao cho bạn hàng. Do thị trường biến động, giá bông sậy và bông cỏ hiện nay đã ngang nhau, thành phẩm chổi cũng đồng giá, chỉ phân biệt theo kích cỡ, độ dày mỏng mà phân theo loại nhất, nhì, ba.
Hiện nay, việc bó chổi đã có một số máy móc hỗ trợ như: máy “bắn” ốc vào cán, máy tra cán đảm bảo độ chắc bền và đẹp hơn. Bà Thúy khẳng định, hầu hết các công đoạn trong việc bó chổi vẫn phải làm thủ công. Một cây chổi dù bằng cán nhựa hay cán trúc đều qua các công đoạn vào lọn, bó, bện, gianh… máy móc hiện đại cũng không thể thay thế sự khéo léo qua đôi bàn tay người thợ.
Nhờ coi trọng giá trị truyền thống của nghề, cây chổi ở Cồn Nhỏ đã “nuôi” sống hàng trăm gia đình. Đầu ra sản phẩm hiện nay được tiêu thụ khá thuận lợi, mạnh nhất tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Tiên (Kiên Giang)… thậm chí còn xuất khẩu sang Campuchia, Malaysia, Đài Loan.
Đơn cử tại cơ sở ông Nguyễn Thanh Hùng, đối với thị trường Campuchia, để giảm bớt trung gian, gia đình ông tự trang bị phương tiện chuyên chở và cử người nhà đóng “vựa” sẵn chờ hàng, cứ 10 ngày có một chuyến. Còn ông Nguyễn Ngọc Ẩn, qua trung gian 1 công ty xuất khẩu, cơ sở của ông làm ra chổi được bao bì, đóng gói và mang nhãn hiệu Bảy Ẩn, tiêu thụ ở Australia.
Các hộ sản xuất chổi ở Cồn Nhỏ ăn nên làm ra, còn lao động tham gia theo công đoạn cũng có thu nhập lý tưởng, bình quân từ 200.000- 300.000 đồng/người/ngày.
Theo tên gọi, chổi có 2 loại là chổi bông sậy và chổi bông cỏ. Về kiểu dáng thì có nhiều loại: chổi vấn màn (quấn bằng sợi nhựa dẹp nhiều màu), chổi cán lát (quấn bằng dây gân), chổi cán nhựa hoặc chổi đổ bọc. Giá cả khoảng từ 15.000 - 21.000 đồng/cây.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Bình Hồ Văn Minh cho biết, hàng năm, xã phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức từ 5-7 lớp học bó chổi với khoảng 30 học viên/lớp, do các thợ giỏi trong làng hướng dẫn. Đặc biệt, xã còn tạo điều kiện cho 400-500 hộ tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư nguyên liệu, trang thiết bị phục vụ sản xuất. |