Áp dụng công nghệ mới để nâng chất cho cá ngừ đại dương
- Thứ sáu - 24/07/2015 20:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giàu tiềm năng
Cá ngừ đại dương được đánh bắt theo công nghệ Nhật Bản ở Bình Định.
Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Hải sản, đã phát hiện được 9 loài cá ngừ phân bố ở các vùng biển Việt Nam, ngư trường khai thác chủ yếu ở vùng lộng, vùng khơi biển miền Trung và vùng giữa biển Đông, với trữ lượng ước khoảng 600.000 tấn; trong đó cá ngừ vằn chiếm hơn 50% tổng trữ lượng cá nổi lớn, khả năng khai thác cho phép khoảng 200.000 tấn/năm; nhóm cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to có trữ lượng trung bình, khoảng 45.000 tấn, khả năng khai thác cho phép khoảng 17.000 - 21.000 tấn/năm.
Đến hết năm 2014, số lượng tàu khai thác cá ngừ là 3.554 chiếc, trong đó nghề câu vàng và câu tay có 1.759 tàu; nghề lưới vây 654 tàu; nghề lưới rê 1.204 tàu. Tàu khai thác cá ngừ chủ yếu là tàu vỏ gỗ, công suất máy chủ yếu từ 45CV trở lên, hầu hết đều trang bị thiết bị thu câu, thu lưới, vô tuyến điện, một số tàu lưới vây trang bị máy tầm ngư (dò cá).
Sản lượng khai thác cá ngừ vây vàng và mắt to năm 2014 giảm so với năm 2013; do ảnh hưởng của chi phí chuyến biển cao, sản lượng đánh bắt thấp, đồng thời giá bán cá ngừ đại dương giảm mạnh nên nhiều tàu lỗ vốn. Sản lượng khai thác cá ngừ vây vàng và mắt to năm 2014 của 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đạt 15.942 tấn, bằng 98% so với năm 2013. Giá cá ngừ của các năm 2011 trở về trước tương đối ổn định, cá ngừ câu vàng dao động từ 140.000-160.000 đồng/kg, có thời điểm đạt 190.000-200.000 đồng/kg; tuy nhiên, từ năm 2012 trở lại đây, do xuất hiện nghề câu tay kết hợp với ánh sáng, cách câu này chi phí thấp hơn câu vàng nhưng chất lượng cá giảm không đạt sản phẩm sashimi nên giá cá câu tay chỉ còn trên dưới 50.000 đồng/kg, đồng thời kéo theo giá cá câu vàng chỉ còn trên dưới 120.000 đồng/kg.
Theo ThS. Phạm Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), tuy phát triển nhanh nhưng ngành sản xuất cá ngừ vẫn bộc lộ một số bất cập: tàu thuyền nhỏ, trang thiết bị, công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu thủ công, lạc hậu; tổ chức sản xuất trong khai thác thiếu chặt chẽ; hoạt động thu mua, tiêu thụ sản phẩm phân tán, chưa được kiểm soát... Tàu khai thác cá ngừ đại dương hầu hết là tàu nhỏ, vỏ gỗ, có máy bộ cũ lắp xuống tàu, trang thiết bị trên tàu thiếu nên hoạt động thiếu an toàn, khả năng vươn khơi bám biển lâu dài thấp; khả năng giữ lạnh thấp, ảnh hưởng đến quá trình bảo quản sản phẩm trên tàu. Công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm lạc hậu, năng suất, chất lượng sản phẩm cá ngừ thấp. Ý thức và kiến thức của người dân trong việc thực hiện quy trình khai thác, sơ chế, bảo quản sản phẩm chưa cao.
Hiện nay, khoảng 40% tàu khai thác cá ngừ hoạt động theo mô hình tổ đội nhưng liên kết khá lỏng lẻo, chỉ hỗ trợ nhau về thông tin thời tiết, ngư trường, hỗ trợ khi gặp thiên tai, địch họa. Thiếu nội dung liên kết về kinh tế như: hỗ trợ vận chuyển sản phẩm về bờ, hỗ trợ vận chuyển nhiên liệu, thực phẩm để kéo dài thời gian bám biển. Đã có các tàu làm dịch vụ thu mua trên biển nhưng chủ yếu là ở vùng biển ven bờ và vùng lộng, vùng biển khơi rất ít và chưa có tàu thu mua cá ngừ đại dương.
Áp dụng công nghệ hiện đại, yếu tố sống còn
Ông Tuấn cho rằng, áp dụng công nghệ hiện đại vào đánh bắt, bảo quản cá ngừ là đòi hỏi tất yếu để cải thiện chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh. Thời gian qua, cũng đã có nhiều mô hình được triển khai, ứng dụng vào thực tế, bước đầu thu được kết quả khả quan.
Điển hình như với công nghệ khai thác cá ngừ đại dương trên tàu câu tay (vốn đầu tư 250 triệu đồng/tàu), đã xây dựng và chuyển giao 20 mô hình cho các tỉnh ven biển. Với công nghệ này, năng suất khai thác khi sử dụng cần câu của Nhật cao hơn 1,3 lần so với cần câu truyền thống của ngư dân. Tỷ lệ cá bị mất sau khi sử dụng công nghệ này là 0,0% so với không sử dụng là 18%.
Công nghệ tàu vây đuôi hay câu vàng cá ngừ đại dương bằng hệ thống thu triên (dây câu) tự động đều góp phần tăng sản lượng khai thác, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm lao động trên tàu, nâng cao an toàn trong hoạt động khai thác thủy sản. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho công nghệ này tương đối lớn (10-20 tỷ đồng).
Công nghệ ngâm hạ nhiệt cá ngừ đại dương trên tàu câu có thể ổn định được trạng thái của cá, giảm sốc nhiệt đột ngột trước khi đưa vào hầm ngâm chính, giảm xuất hiện của vi sinh vật do rửa được máu cá. Nhiệt độ thân cá sau khi ngâm ở thùng ngâm trung gian và hầm ngâm chính giảm xuống còn 2,5-6 độ C (so với không ngâm còn 10-15 độ C). Vốn đầu tư khoảng 120 triệu đồng/tàu
Sử dụng nước biển lạnh tuần hoàn cho tàu vây cá ngừ hay sử dụng công nghệ đông lạnh gió, đông lạnh thấm đều là những phương pháp bảo quản hiện đại, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch về chất lượng xuống dưới 10%, tăng thu nhập trên 40-50%...
Qua thực tế triển khai mô hình, phần lớn các công nghệ đều thể hiện được tính ưu việt trong đánh bắt, bảo quản sản phẩm. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư lớn, một mình ngư dân không thể triển khai. Vì vậy, để áp dụng công nghệ hiện đại trong khai thác cá ngừ đại dương, rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ của nhà nước về vốn để ngư dân trang bị cho tàu cá, yên tâm vươn khơi bám biển.
Theo: kinhtenongthon.com.vn