Ấp trứng vịt giống theo công nghệ mới

Trang trại chăn nuôi và sản xuất vịt giống của gia đình ông Hương mang lại hiệu quả kinh tế cao

Trang trại chăn nuôi và sản xuất vịt giống của gia đình ông Hương mang lại hiệu quả kinh tế cao

Gần 10 năm nay, vợ chồng ông bà Lê Văn Hương và Nguyễn Thị Nghiên ở thôn Linh An, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã ứng dụng công nghệ mới vào ấp trứng vịt giống.

Trang trại chăn nuôi và sản xuất vịt giống của gia đình ông Hương mang lại hiệu quả kinh tế cao

Trang trại chăn nuôi, ấp trứng vịt giống của gia đình ông Hương nằm ven rừng phòng hộ, cách xa khu dân cư. Nơi đây, ông thường xuyên nuôi hơn 1.500 con vịt Lai Bơ; bình quân mỗi ngày thu được 800 quả trứng và cứ 2 ngày 1 lần lò ấp trứng của ông cho ra trên 1.500 con vịt giống. Gia đình ông gắn bó với nghề ấp trứng vịt từ năm 1999. Nhận thấy việc ấp trứng thủ công không mấy hiệu quả nên ông Hương tìm hiểu các tài liệu ở sách, báo, xem ti vi và internet về cách thức ấp trứng vịt hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến năm 2008, ông vay mượn đầu tư xây nhà ấp trứng trị giá 70 triệu đồng, mua 1 lò ấp trứng theo công nghệ mới trị giá 50 triệu đồng, mua 1.000 con vịt giống Lai Bơ trị giá 300 triệu đồng…

Vịt giống của trang trại gia đình ông Hương được sản xuất khép kín, đáp ứng nhu cầu giống gia cầm chất lượng, an toàn về dịch bệnh so với sản xuất giống thủ công trước đây. Do đó, vịt giống của ông không chỉ xuất bán cho khách hàng ở Quảng Trị mà còn bán rộng ra các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Thừa Thiên- Huế. Doanh thu bình quân mỗi năm từ sản xuất vịt giống của gia đình ông Hương trên 1 tỷ đồng trừ chi phí lãi trên 200 triệu đồng. Năm qua, gia đình ông Hương đầu tư thêm 2 lò ấp trứng trị giá 100 triệu đồng, 1 máy phát điện trị giá 13 triệu đồng để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Hương chia sẻ: “So với sản xuất vịt giống thủ công, lò ấp trứng theo công nghệ mới mà gia đình tôi đầu tư mang lại hiệu quả rõ rệt từ chất lượng trứng đến hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, với dòng vịt Lai Bơ cho trứng to, khi cho vào lò ấp nhiệt độ đồng đều nên tỷ lệ trứng nở tăng 30% so với các loại trứng vịt khác; con giống sau khi được ấp nở trước khi xuất bán đều có chứng nhận kiểm soát của thú y cơ sở. Do đó, vịt giống của gia đình tôi không khi nào bị tồn đọng nhờ được nhiều khách hàng đến mua. Dự kiến trong thời gian tới, gia đình tôi mở rộng quy mô sản xuất vịt giống; đăng ký nhãn hiệu cơ sở sản xuất giống gia cầm chất lượng cao, an toàn dịch bệnh”.

Ông Lê Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch cho biết: “Sản xuất vịt giống của gia đình ông Hương là mô hình đi đầu trong sản xuất vịt giống theo công nghệ mới, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.
                                                                                             Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 28/07/2016