Người chăn nuôi Bắc Giang đang gặp khó do giá lợn hơi giảm.
Trao đổi với phóng viên ngày 19/3, bà Hoàng Thị Thái, chủ trang trại nuôi lợn siêu nạc ở xã Ngọc Châu (Tân Yên) cho biết, hiện trang trại có gần 1.200 lợn nái và 10.000 lợn thịt. Trước Tết Nguyên đán 2019, giá lợn hơi ở mức 47.000 đồng/kg, cách đây mấy ngày giảm xuống còn 33.000 đồng/kg. So với giá Trước tết, mỗi con lợn (100kg), gia đình mất trắng 1,4 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, giá lợn 33.000 đồng/kg người nuôi lỗ khoảng 600.000 đồng/con, vậy chi tháng này trang trại nhìn thấy lỗ hơn 1 tỷ đồng.
Bà Thái cho biết thêm, giá lợn xuống thấp, người chăn nuôi đang lỗ nhưng chi phí phòng dịch rất lớn, trong khi lại khó tiêu thụ. Khó khăn nhất hiện nay là sợ người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn, cùng với đó sợ ngân hàng không cho đáo nợ. Các bộ ngành, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu rõ về dịch, từ đó không quay lưng với thịt lợn. Cùng với đó, cung cấp cho người tiêu dùng biết các cơ sở chăn nuôi lợn sạch để họ mua sử dụng.
Anh Hội cho biết, sợ lợn tiếp tục giảm giá, ngày 19/3, gia đình phải chọn ra 12 con lớn để bán.
Anh Phạm Văn Hội, chủ trang trại lợn ở xã Ngọc Châu (Tân Yên) tâm sự, hiện gia đình có 30 lợn nái ngoại, 300 con lợn thịt. Hiện, lợn bán với giá 33.000 đồng/kg nếu người nuôi không chủ động được con giống sẽ lỗ 500.000 - 700.000 đồng/con. Sợ giá lợn tiếp tục giảm, ngày 19/3, gia đình phải chọn ra 12 con, mỗi con mới đạt 89 kg/con để bán. So với giá cách đây 1 tuần, gia đình đã mất đi gần 10 triệu đồng. Chính quyền cần thông tin cho người dân hiểu về dịch để không tẩy chay, quay lại với thịt lợn sạch.
Còn ông Nguyễn Văn Thao, Giám đốc HTX kinh doanh Thao Thanh ở phường Thọ Xương (TP. Bắc Giang) cho biết, hiện HTX còn 300 con lợn thịt. Trước đây mỗi ngày HTX mổ 5 con, giờ tiêu thụ chậm chỉ mổ có 2 con. Giá bán cũng giảm mạnh, trước thịt ba chỉ, thịt vai trên bán với giá 90.000 - 100.000 đồng/kg, nay chỉ bán 70.000 - 80.000 đồng/kg, thịt mông còn 70.000 đồng/kg, thậm chí có trường hợp còn 60.000 đồng/kg vẫn phải bán.
Ông Thao cho biết thêm, sau khi có thông tin dịch tả châu Phi, nhu cầu sử dụng thịt giảm tới 50%. Chi phí không thay đổi nhưng lợi nhuận giảm đi một nửa khiến người chăn nuôi, giết mổ, chế biến gặp khó.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, ngay từ khi một số tỉnh trong nước phát hiện dịch, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan thú y tạo điều kiện trong việc xác nhận lợn an toàn để các trang trại đưa đi tiêu thụ. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân không quay lưng với thịt lợn.
Khó khăn hiện nay là các tỉnh miền Trung, miền Nam không cho lợn ngoài Bắc vận chuyển vào tiêu thụ. Cùng với đó, giá xuống thấp dẫn tới tiêu thụ rất khó. Với việc đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch, tỉnh sẽ bám sát diễn biến của dịch trong nước để có những chỉ đạo kịp.