“Bắc cầu” đưa nông sản vào siêu thị

Các hoạt động kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và đơn vị tiêu thụ đã trở thành thế mạnh của TP.HCM khi sau 3 năm thực hiện, chương trình được nhiều tỉnh, thành ủng hộ, cùng tham gia.

Tiêu thụ 8.000 tấn nông sản mỗi ngày

Bà Lê Ngọc Đào – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, sau 3 năm triển khai, chương trình hợp tác thương mại và kết nối cung – cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành, các doanh nghiệp (DN) thành phố đã thực hiện 69 dự án hoặc liên kết đầu tư sản xuất với các tỉnh, thành phố khác với tổng vốn gần 24.000 tỷ đồng.


Người tiêu dùng xem các sản phẩm nông sản tại một hội chợ nông nghiệp do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức.  K.H

Bên cạnh đó, có 520 hợp đồng cung ứng và tiêu thụ sản phẩm được ký kết với tổng giá trị hơn 19.000 tỷ đồng; gồm có 434 hợp đồng đã được triển khai thực hiện và 86 hợp đồng đang trong quá trình thương thảo. Hiện chợ đầu mối của TP.HCM tiêu thụ bình quân 8.000 tấn/ngày các mặt hàng nông sản và thực phẩm từ các tỉnh đổ về. Nhiều mặt hàng từ các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên, để tránh tình trạng “được mùa mất giá”, cũng được đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường TP.HCM và các tỉnh phía Nam như vải thiều của Bắc Giang; cà chua, khoai tây của Lâm Đồng…

Ông Vương Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Trà Vinh cho rằng, thông qua hội chợ nông nghiệp và các chương trình kết nối cung cầu do TP.HCM tổ chức, các DN Trà Vinh có nhiều cơ hội quảng bá đối với các mặt hàng nông sản chế biến đến người tiêu dùng thành phố, dần dần tiếp cận và thâm nhập một thị trường lớn như TP.HCM.

Bên cạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm, việc liên kết, hỗ trợ DN đầu tư phát triển sản xuất tại các tỉnh, thành phố cũng được TP.HCM ưu tiên. Trong đó, điển hình như mô hình liên kết tiêu thụ hơn 31.000 tấn lợn hơi, 1.200 tấn bò hơi của Công ty Vissan với các trang trại chăn nuôi tại các tỉnh; mô hình của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cung cấp gần 54.000 con lợn hậu bị, lợn giống đến các trang trại chăn nuôi tại 23 tỉnh, thành. Mô hình của Công ty TNHH Phạm Tôn liên kết chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm tại Đồng Nai với tổng đàn gà hơn 600.000 con, dự kiến phát triển lên 1 triệu con trong năm nay…

Ưu tiên đặc sản vùng miền

Bà Nguyễn Thị Hạnh – Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) cho rằng, vì liên kết tiêu thụ với nhiều địa phương nên việc trùng lặp sản phẩm gây khó cho DN tiêu thụ trong việc chọn nhà cung cấp. Do đó, nhiều trang trại, HTX dù sản xuất sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP hay các yêu cầu đưa ra của siêu thị, tuy nhiên, vẫn chưa được đưa vào tiêu thụ tại các kênh phân phối của Saigon Co.op. Theo bà Hạnh, các địa phương nên chọn những sản phẩm đặc trưng để đầu tư, phát triển.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Ngọc Điệp - Giám đốc Công ty Cacao Xuân Ron Chợ Gạo cho ví dụ, việc sản xuất và cung cấp các sản phẩm từ cacao sạch hữu cơ đạt chứng nhận UTZ, không sử dụng chất phụ gia, chất bảo quản hay hương liệu, không pha trộn. Tuy nhiên, việc tìm thị trường cho sản phẩm không phải dễ, do phải xác định rõ khách hàng mục tiêu và các kênh phân phối hợp lý. “Phần lớn các sản phẩm từ cacao trong các hệ thống siêu thị Việt Nam hiện nay do DN nước ngoài cung cấp, giá cả rất cạnh tranh. Do đó, DN đi sau phải chọn những đặc sản đặc trưng nhất để giới thiệu” - bà Điệp nói.

 
Theo ông Lê Văn Khoa - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, TP.HCM sẽ tiếp tục xây dựng chương trình hỗ trợ các địa phương sản xuất sạch, hướng đến xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản, đặc sản vùng miền, phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo danviet.vn