Bản quyền cho nông sản “độc“: Đối mặt nhiều rủi ro

Vì sản phẩm mình tạo ra bị “đánh cắp” bản quyền hoặc không đăng ký bảo hộ được, các “nhà khoa học chân đất” vùng ĐBSCL đã tiếp tục tạo ra các sản phẩm mới và quy mô hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về nông nghiệp, nhà quản lý, nhà nông vẫn sẽ đối mặt với nhiều rủi ro.

Sáng tạo ra sản phẩm mới

Để thỏa lòng đam mê trong việc tạo hình trái cây và muốn đăng ký bảo hộ sản phẩm của mình, cuối 2014, ông Võ Trung Thành (ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã tạo hình thêm sản phẩm mới đó là đào tiên hồ lô và phối hợp với Công ty Nguyễn Gia (Hà Nội) tạo hình bưởi lễ Cát Tường (còn được gọi “bưởi bàn tay Phật”).

Đào tiên hồ lô của ông Võ Trung Thành.    
Rút kinh nghiệm thất bại trong việc đăng ký bảo hộ việc tạo hình trái cây của mình, ông Thành đã không cho giới truyền thông tiếp cận vườn tạo hình bưởi lễ Cát Tường để giữ bí mật về khuôn tạo hình bưởi. Mặt khác, cùng thời gian này, phía Công ty Nguyễn Gia cũng nhanh chóng làm các thủ tục đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa Bưởi lễ Cát Tường.

Thông tin từ phía Công ty Nguyễn Gia cho biết: Bưởi lễ Cát Tường đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận xem xét, sau 1 thời gian sẽ cấp giấy chứng nhận bảo hộ sản phẩm. Hiện nay, do số lượng bưởi làm thử nghiệm đạt chuẩn không nhiều, với khoảng 1.500 trái nên bưởi lễ Cát Tường sẽ được bán với giá 600.000 đồng/trái. Năm 2015 này, bưởi lễ Cát Tường sẽ được sản xuất với quy mô lớn nên giá bán có thấp hơn, nhiều người dân sẽ được tiếp cận với sản phẩm “độc” này.

Cũng như ông Thành, nhiều người dân đam mê tạo hình trái cây đã tiếp tục tạo ra các sản phẩm khác và quyết giữ bí mật về “con đẻ mới” của mình. “Từ sự cố dưa hấu vuông, tôi quyết tâm tạo ra sản phẩm mới, lạ hơn đó là dưa hấu thỏi vàng. Sau khi tạo hình thành công, tôi nộp đơn đăng ký ngay. Từ năm 2011 - 2012, tôi đã có giấy chứng nhận độc quyền kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa” - ông Nguyễn Thanh Liêm (ngụ ở khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) nói.

Ông Lương Ngọc Trung Lập - Trưởng Bộ môn nghiên cứu thị trường (Viện Cây ăn quả Miền Nam) thông tin với phóng viên NTNN: “Trước đây, sản phẩm “độc”, lạ bán dịp tết chưa được quan tâm nhưng giờ đây, để đáp ứng nhu cầu thị trường, loại mặt hàng này ngày càng nhiều. Sản phẩm này chỉ bán dịp Tết Nguyên đán nên đơn nhiên là có giá cao rất nhiều lần so với bản chất của sản phẩm. Ý tưởng đã khó rồi nhưng để tạo ra những sản phẩm càng khó hơn. Người dân phải bỏ công sức và thời gian khá lâu, có thể thất bại nhiều lần và mất hơn 10 năm trời”.

Cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng

Theo các chuyên gia trong ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL, việc người dân tạo ra nhiều sản phẩm mới sẽ làm gia tăng chất lượng cũng như giá trị hàng hóa của vùng. Về sản phẩm mới này, vẫn còn có nông dân chưa đăng ký vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, dù đã đăng ký hay chưa thì vẫn còn có nhiều rủi ro.

Theo Viện Cây ăn quả Miền Nam, nông dân đã đăng ký bảo hộ với Cục Sở hữu trí tuệ nhưng sản phẩm nông nghiệp khác với công nghiệp, vì người này làm được, người khác cũng sẽ làm được hoặc có khác hơn một tý. Qua thời gian, sản phẩm sẽ được sản xuất rộng khắp, khó ai kiện ai được.

“Thí dụ một trường hợp cụ thể nhất là, thời quan qua, Viện đã cố công sản xuất được giống thanh long ruột đỏ, thanh long tím hồng và đã đăng ký bảo hộ. Thế nhưng, người dân, doanh nghiệp bên ngoài đã tìm mọi cách để lấy thân (thanh long được trồng từ thân) để nhân giống và trồng khắp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL như hiện nay. Bây giờ phía Viện biết thưa kiện ai bây giờ, tốn nhiều thủ tục, thời gian…”– ông Lập cho biết.

Cũng theo ông Lập phân tích: “Mặc dù việc đăng ký bảo hộ sản phẩm đã được ngành chức năng triển khai nhưng việc thực thi bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân hầu như là không có. Vì vậy, ngoài việc người dân gặp một số rủi ro về thời tiết không thuận lợi, giá cả bấp bênh còn bị xâm phạm quyền sản xuất, mua bán sản sản phẩm. Chỉ cần người dân gặp 1 trong 3 khó khăn trên thì coi như bị thất thu cả năm luôn”.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ - Phó Trưởng khoa Phát triển nông thôn (Trường ĐH Cần Thơ) nói: “Sản phẩm “độc”, lạ do số ít người dân, doanh nghiệp làm ra, do không có kinh phí nên ít người đăng ký, đụng chuyện thì mới thấy là thiệt thòi. Về lâu dài, những sản phẩm này cần phải có hỗ trợ về đầu ra, thăm dò tiềm năng thị trường. Theo ý kiến cá nhân tôi, việc đăng ký bảo hộ sản phẩm đối với nông dân thì Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí, đối với doanh nghiệp có thể không hỗ trợ”.


  Thông tin từ Viện Cây ăn quả Miền Nam cho biết: Hiện chưa có sản phẩm “độc”, lạ nào của người dân đưa ra thị trường ngoài nước (ngoài cây cảnh kiểng). Bởi sản phẩm này chỉ bán vào dịp tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, phần lớn người dân chưa hình thành tổ, nhóm nên lượng hàng hóa làm ra ít. Thời gian tới, sản phẩm này sẽ tiếp tục được tạo ra nhưng phải có giá bán thấp hơn, để nhiều người dân được tiếp cận.
Theo danviet.vn