Báo 2472: “Báo viết để dành được, khi nào cần thiết mở ra xem lại”
- Thứ năm - 06/08/2015 22:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Nhờ đọc báo mà trồng được củ sắn to”
Ở xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ (Lai Châu), gia đình Thào A Huân là một trong số những hộ có của ăn, của để trong xã. Do có điều kiện được tham gia một số lớp tập huấn khuyến nông, lại rất chăm đọc các bài báo về kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi trên các tờ báo 2472, nên anh Huân luôn áp dụng hiệu quả những cách thức làm ăn mới để đạt được năng suất cao. Tại nhà, anh đã cất giữ nhiều các số báo như: Nông thôn Ngày nay (NTNN), Dân tộc và Phát triển,… có đăng tải những bài viết hay về nông nghiệp và vùng cao. Chỉ vào chồng báo đặt cạnh hơn ba chục tải sắn chất cao đã phơi khô, anh Huân bảo: “Nhờ học theo báo mà sắn nhà mình mấy vụ gần đây củ nhiều, to và năng suất hơn trước”.
Mô hình đậu ve xen ớt của gia đình ông Quế ở thônLộc Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng). Ảnh: CHÚC LY
Vẫn theo anh Huân, bây giờ nhiều đồng bào dân tộc ở độ tuổi 40 ở Phong Thổ nói thạo tiếng phổ thông, biết đọc, biết viết nên không ít hộ đã tìm kinh nghiệm làm ăn, làm giàu từ trên báo và tin vào đó”.
Cũng nhờ học hỏi từ mô hình trên báo NTNN mà nông dân xã miền núi Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) đã trồng đậu cove xen ớt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Đỗ Viết Vỹ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bắc cho biết: “Mô hình đạt hiệu quả là nhờ chúng tôi đọc báo NTNN và ứng dụng vào thực tế của địa phương”. Năm 2010, đọc trên Báo NTNN có hướng dẫn làm sao đạt được 50 triệu đồng trên diện tích 1ha với mô hình trồng đậu cove xen ớt, ông làm trước, thấy hiệu quả đã vận động các hộ làm theo.
Cùng với chuyển đổi cây trồng, nông dân Hòa Bắc còn ứng dụng thành công chăn nuôi bò có chuồng trại. Cả xã hiện có trên 1.000 hộ nuôi bò, trong đó chủ yếu bò sinh sản. Ông Hồ Tăng Phúc - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc cho biết: “Mô hình đậu cove xen ớt, tổ hợp tác trồng cỏ nuôi bò có chuồng trại đã được nông dân xã ứng dụng thành công từ những kiến thức đọc được trên báo NTNN, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần rất lớn phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân địa phương”.
Giàu lên nhờ... tình cờ đọc báo
Tuy tuổi còn trẻ nhưng anh Trần Thanh Luận, người dân tộc Khmer ngụ ấp Phônôcambôth, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) mỗi năm cũng thu lãi khoảng 700 triệu đồng nhờ tình cờ biết đến giống lúa RVT đăng trên báo NTNN. Anh Luận cho biết: “Cách đây khoảng 2 năm, trong một lần tình cờ đọc được thông tin về triển khai giống lúa đặc sản RVT tại Ngã Năm trên báo NTNN, tôi đã bị cuốn hút ngay. Từ đó, tôi mạnh dạn bắt tay vào sản xuất giống lúa đặc sản RVT. Chính nhờ thường xuyên đọc báo NTNN mà cơ duyên đã đến với tôi, mở ra một hướng làm ăn mới cho gia đình sau này”.
Anh bắt tay vào chuyển gần 16ha đất sản xuất của gia đình sang trồng hẳn giống RVT; đồng thời đứng ra thành lập tổ hợp tác sản xuất lúa đặc sản với 36 thành viên, trên tổng diện tích khoảng 45ha. Anh Luận chia sẻ: “Việc vận động bà con nông dân, nhất là người dân tộc vào tổ hợp tác thật ra cũng không khó. Chủ yếu là mình phải làm trước, làm có hiệu quả, họ nhìn vào đó thì tự nguyện làm theo. Việc cấp phát sách, báo miễn phí cho bà con dân tộc nghèo ở đây rất có ích. Báo chí đã hướng dẫn bà con cách làm ăn, giới thiệu những mô hình hay, răn dạy xóa bỏ hủ tục”.
Ông Lò Văn Hà (Yên Định, Bắc Mê, Hà Giang) Tôi nghỉ hưu lại có con gái làm ở bưu điện nên thường xuyên đọc báo nhất là những tờ viết về nông thôn, nông nghiệp và đời sống của người vùng cao như báo Biên Phòng hay báo Nông Thôn Ngày Nay. Những nội dung mà báo đăng tải ngày càng gần gũi đời sống, ngôn ngữ dễ hiểu, ảnh chân thực nên mọi người rất thích. Nhưng có điều tôi vẫn băn khoăn đó là thỉnh thoảng bắt gặp những bài phỏng vấn mà các nhà báo đặt câu hỏi không hợp với người dân tộc. Chẳng hạn như có nhà báo hỏi một tấm gương người Mông làm kinh tế giỏi rằng: Anh có thể “bật mí” bí quyết làm kinh tế của mình? Tôi cam đoan rằng nếu hỏi như vậy thì bà con dân tộc thiểu số vùng cao sẽ không hiểu cái gọi là “bí quyết” kia là gì! và cái “bật mí” kia lại càng “chi pâu” (không biết)...
Chị Lèo Thị Tho (Thượng Nông, Na Hang, Tuyên Quang) Nhờ kinh nghiệm chăn nuôi được phổ biến trên báo mà gia đình tôi đã áp dụng và thu được kết quả tốt. Bài báo nào thấy hay, hợp với hoàn cảnh nhà mình là chồng tôi cắt ra để giữ lại. Chúng tôi đã biết cách làm chuồng nuôi lợn, nuôi gà sạch sẽ, biết đi mua cám tốt để nuôi, biết cách cho ăn theo bữa và biết cả những triệu chứng lúc lợn, gà mắc bệnh để phòng ngừa. Giờ đây gia đình tôi đã đủ ăn, có tiền để cho con đi học. Mặc dù đã có đài, có tivi và đầu quay đĩa nhưng chúng tôi vẫn tín nhiệm các tờ báo giấy...
Chị Lường Thị Hanh (Sảng Mộc, Võ Nhai, Thái Nguyên) Người Tày, người Nùng, người Mông chẳng thích nói nhiều về những vấn đề kinh tế cao xa, chỉ thích làm cái cụ thể. Ví như nói ngày mai mang về cho bà con một giống cây mới thì phải mang ngay đi. Mong các nhà báo khi viết, quyền lợi của bà con nên luôn đặt lên trên hết, để những người có trách nhiệm phải biết, phải nhớ và phải làm một cái gì đó cần thiết cho đồng bào. Trương Huyền (ghi) |