Bảo hiểm nông nghiệp sẽ bao gồm những gì?
- Thứ bảy - 04/11/2017 11:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dự thảo Nghị định quy định về việc triển khai thực hiện BHNN (bao gồm bảo hiểm cây trồng, bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm nuôi trồng thủy sản) và chính sách hỗ trợ BHNN nhằm góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Hợp đồng BH phải tách biệt rõ điều kiện bảo hiểm đối với các đối tượng bảo hiểm và rủi ro bảo hiểm được hỗ trợ
Dự thảo Nghị định áp dụng cá nhân, tổ chức, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp); DN BH phi nhân thọ, chi nhánh DN BH phi nhân thọ nước ngoài (gọi chung là DN BH), DN tái BH; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện chính sách BHNN.
BHNN thực hiện trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận giữa tổ chức, cá nhân sản xuất NN và DN BH, phù hợp với quy định pháp luật về kinh doanh BH và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Ngoài việc tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, dự thảo Nghị định quy định một số nội dung đặc thù trong trường hợp giao kết hợp đồng (HĐ) BH với tổ chức, cá nhân sản xuất NN được hỗ trợ phí BH.
Cụ thể, chỉ thực hiện giao kết HĐBH khi tổ chức, cá nhân sản xuất NN đã được phê duyệt thuộc đối tượng được hỗ trợ (theo Quyết định của UBND cấp tỉnh). Đồng thời, HĐBH phải tách biệt rõ điều kiện, điều khoản và phí BH đối với các đối tượng BH và rủi ro BH được hỗ trợ. Về phí BH phải ghi rõ số tiền được Nhà nước hỗ trợ, số tiền tổ chức, cá nhân tự chi trả; quy định rõ thời hạn, phương thức đóng phí BH.
Để đảm bảo quản lý chặt, tránh thất thoát ngân sách nhà nước và đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia HĐBH (tổ chức, cá nhân mua BH, DNBH), dự thảo Nghị định cũng quy định rõ quy trình, thủ tục hoàn trả phí BH lại cho ngân sách hoặc yêu cầu ngân sách nhà nước cấp bổ sung trong các trường hợp chấm dứt trước thời hạn HĐBH đối với tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng hỗ trợ phí BH.
Trường hợp không giải quyết được bằng thương lượng, các bên liên quan có quyền đưa vụ việc ra Tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam để giải quyết theo quy định pháp luật tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Liên quan đến doanh thu, chi phí của DNBH, Dự thảo Nghị định quy định DNBH được phép chi đề phòng hạn chế tổn thất liên quan đến triển khai BHNN với mức tối đa là 5% doanh thu phí BHNN (cao hơn mức quy định chung hiện nay là 2%), tạo điều kiện cho DNBH triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục; tài trợ, hỗ trợ xây dựng các công trình, mua sắm các phương tiện, vật chất để đề phòng hạn chế rủi ro; thuê các tổ chức, cá nhân khác giám sát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất.
Hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp: Theo nguyên tắc nào?
Theo Dự thảo Nghị định, trong từng thời kỳ, tùy thuộc định hướng phát triển NN, nông thôn và khả năng cân đối ngân sách nhà nước, Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần phí BHNN cho tổ chức, cá nhân sản xuất NN. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định cụ thể về đối tượng được hỗ trợ; đối tượng BH được hỗ trợ; rủi ro BH được hỗ trợ; mức hỗ trợ phí BH; thời gian thực hiện hỗ trợ phí BHNN; địa bàn được hỗ trợ; mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ phí BHNN và các chính sách hỗ trợ khác nếu có.
Ngoài ra, để tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương, dự thảo Nghị định quy định khuyến khích địa phương trên cơ sở cân đối nguồn ngân sách địa phương xem xét, có chính sách hỗ trợ phí BHNN ngoài chính sách hỗ trợ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Việc triển khai thực hiện hỗ trợ phí BHNN phải công khai, minh bạch, đúng mức, đúng đối tượng. Số tiền hỗ trợ phí BHNN được xác định căn cứ vào đối tượng được hỗ trợ, đối tượng BH được hỗ trợ, rủi ro BH được hỗ trợ, mức hỗ trợ theo quy định tại nghị định này và phí BHNN theo thỏa thuận tại HĐBH giữa DNBH và tổ chức, cá nhân sản xuất NN.
Về vấn đề trùng chính sách, dự thảo Nghị định đã quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất NN tham gia BHNN và được hỗ trợ phí BHNN theo quy định tại Nghị định này thì không được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất NN để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất NN để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Để giảm thiểu gánh nặng thủ tục hành chính cho nông dân, dự thảo Nghị định quy định thực hiện hỗ trợ thông qua DNBH (tương tự thực hiện chương trình thí điểm BHNN theo Quyết định số 315/QĐ-TTg và chính sách BH theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ.
Theo Phapluatvn.vn