Bảo vệ môi trường cho nông sản sạch
- Thứ hai - 26/11/2018 08:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chương trình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường" do Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức tại 22 tỉnh, thành phía Nam qua 7 năm, từ năm 2012, đã có 167 mô hình thực hiện với hơn 7.700 hộ nông dân tham gia. Nông sản sạch gồm lúa, măng tây, thanh long, bưởi da xanh, xoài, vú sữa, nhãn… từ các mô hình này từng bước tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ, đưa sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Giảm thuốc, giảm chi phí
Măng tây là cây trồng mới phát triển tại tỉnh Ninh Thuận bắt đầu có thương hiệu trên thị trường khi sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị gắn với chương trình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường". Sản phẩm măng tây của CLB Khởi nghiệp Ninh Thuận (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) đã được giới thiệu và bán đến người tiêu dùng TP HCM thông qua phiên chợ Xanh tử tế.
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng giúp bảo vệ môi trường, sức khỏe nông dân và người tiêu dùng
CLB Khởi nghiệp Ninh Thuận có 8 ha đất trồng măng tây với quy trình sản xuất chủ yếu sử dụng phân chuồng hoai mục, các loại phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học kết hợp phân bón NPK. Vùng trồng này không sử dụng các loại thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật mà ưu tiên dùng các chế phẩm sinh học, thảo mộc. CLB Khởi nghiệp Ninh Thuận là một trong những mô hình sản xuất sạch, bảo vệ môi trường bước đầu đạt hiệu quả tốt.
Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật góp phần thiết lập hệ sinh thái đồng ruộng cân bằng, giảm số lần xử lý nông dược, giảm chi phí đầu tư, nâng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân. Theo điều tra tác động của chương trình, các mô hình tham gia đều có lãi cao hơn mẫu đối chứng. Ngoài ra, sức khỏe nông dân được cải thiện nhờ tuân thủ quy định bảo hộ lao động khi phun xịt thuốc. Việc thu gom vỏ bao bì thuốc vào hố tập trung còn giúp bảo vệ môi trường chung.
Ông Thiệt cho biết trong thời gian tới, chương trình sẽ mở rộng quy mô, tùy xã sẽ chọn cây trồng chủ lực phù hợp như: lúa, rau màu, cây ăn trái để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm thiểu lượng nông dược sử dụng. Chương trình cũng tập huấn cho nông dân về nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng lúc và đúng cách) để quản lý dịch hại, giúp giảm tối đa dư lượng thuốc BVTV, bảo đảm nông sản an toàn để cung cấp cho nội địa và xuất khẩu. Chương trình sẽ tiếp tục xây dựng các hố tập trung vỏ bao bì thuốc BVTV để thu gom, đưa đi tiêu hủy an toàn như đã thực hiện trong 7 năm qua với số lượng lên đến hơn 60 tấn.
Cần nhân rộng mô hình
Theo GS-TS Nguyễn Thơ, Phó Chủ tịch Hội BVTV Việt Nam, kết quả của chương trình rất tốt nhưng chỉ dừng lại ở mô hình. Do đó, cần có lộ trình triển khai diện rộng. Đây là việc rất khó nhưng phải làm để việc bảo vệ môi trường trở thành ý thức của toàn dân.
"Việc sử dụng hàn the trong chế biến thực phẩm để bảo quản, tạo dai giòn đã được loại bỏ vì người dân nhận thức được tính chất độc hại của nó. Đối với thuốc BVTV cũng vậy, phải tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu về sự độc hại của nó và giảm lệ thuộc vào thuốc; bỏ lối tư duy trồng trọt là phải xài thuốc mà chỉ dùng thuốc BVTV như giải pháp cuối cùng để xử lý dịch hại và tuân thủ nguyên tắc 4 đúng khi dùng, đồng thời giúp người dân thay thế thuốc độc bằng loại ít độc hoặc những thuốc sinh học, thảo mộc…" - GS-TS Thơ kiến nghị. Theo ông, cần có chế tài để hạn chế tình trạng vứt vỏ bao bì bừa bãi và lạm dụng thuốc BVTV.
Từ kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với nông dân, nông thôn và các chương trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đề nghị nên ưu tiên áp dụng mô hình cho rau quả bởi rất nhiều loại được ăn sống, không qua sơ chế, chế biến. "Cần nhân rộng mô hình trồng cây đậu phộng dại quanh vườn rau quả để thu hút sâu bọ vì hoa cây này rất đẹp và có tác dụng tích lũy đạm cho đất. Tôi sang Malaysia thấy vườn thanh long của họ trồng đậu phộng dại với mục đích này rất có hiệu quả" - TS Võ Mai dẫn chứng.
Nguồn: nld.com.vn