Bế mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII: Chờ nền nông nghiệp chuyển biến

Bế mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII: Chờ nền nông nghiệp chuyển biến
Sau 30 ngày làm việc, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã chính thức bế mạc với việc thông qua. Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Kỳ họp đã hoàn tất một khối lượng công việc khá lớn, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội vẫn còn mong mỏi nhiều điều lớn hơn thế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp...

ĐB Nguyễn Văn Phụng (TP.HCM): Hy vọng nông nghiệp sẽ có chuyển biến sâu

 

Be mac ky hop thu 9 Quoc hoi khoa XIII: Cho nen nong nghiep chuyen bien
Nông dân  bón phân cho lúa hè thu. Ảnh: I.T
Kỳ họp Quốc hội lần này được rất nhiều đại biểu (ĐB) và cử tri cả nước quan tâm, tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội, cũng như chất vấn Quốc hội đều dành nhiều thời gian để phân tích, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho vấn đề sản xuất, tiêu thụ nông sản. Vào cuối kỳ họp, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó nổi bật là vấn đề nông nghiệp- nông thôn, từ đó để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có cách giải pháp thực hiện quyết liệt hơn. Đồng thời, nghị quyết cũng phân công cho từng bộ, ngành các nhiệm vụ thực hiện cụ thể, nên tôi hy vọng sau kỳ họp này nông nghiệp- nông thôn sẽ có chuyển biến sâu sắc hơn.

 

ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình): Các đại biểu rất sốt ruột...

Có thể nói, tại kỳ họp Quốc hội lần này, các vấn đề liên quan đến nông nghiệp- nông thôn đã được các ĐB thảo luận cho ý kiến rất kỹ từ các phiên thảo luận về kinh tế- xã hội cho đến chất vấn. Trên thực tế, các ĐB đang rất sốt ruột về vấn đề tiêu thụ nông sản, sản xuất giống lúa, thức ăn chăn nuôi, rồi hàng giả, hàng kém chất lượng…Tôi cũng thấy, hành động của Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát tại kỳ họp này rất quyết liệt, đơn cử như việc ĐB Thái Bình có thắc mắc về chính sách hỗ trợ người trồng lúa, ngay sau đó Bộ trưởng đã cử cơ quan chuyên môn về kiểm tra và bước đầu đã có những tháo gỡ, giải quyết. Đặc biệt, đối với việc thu phí kiểm dịch gia cầm, đã được Bộ trưởng trả lời và giải quyết triệt để ngay sau đó.

ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội): Nhiều chính sách nhưng khó thực hiện

Qua thảo luận tại Quốc hội cho thấy, vướng mắc lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là cơ chế chính sách thì nhiều, nhưng lại không áp dụng được do khi thực thi gặp rất nhiều vướng mắc, thủ tục hành chính rườm rà. Do đó, nhiều ĐB cũng yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước, một mặt phải xây dựng được cơ chế chính sách phù hợp, đồng thời phải có giải pháp để thực hiện được các cơ chế, chính sách đó chứ không phải cứ ban hành chính sách ra rồi để đó. Tôi cho rằng, những khó khăn vướng mắc của ngành nông nghiệp hiện nay là rất nhiều và để giải quyết được đòi hỏi các bộ trưởng phải hành động quyết liệt hơn, vì dân hơn và tôi cũng hy vọng tới kỳ họp sau, những khó khăn, vướng mắc đó sẽ có chuyển biến nhất định.

Loại bỏ các loại phí nông nghiệp không hợp lý

Hôm qua, gần 93% số đại biểu đã nhất trí thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nghị quyết này đã nêu rõ: Có biện pháp quyết liệt thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Rà soát và bổ sung các chính sách có liên quan để thực hiện tốt hơn việc liên kết giữa nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng. Khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp, công nghiệp bảo quản, chế biến. Xây dựng vùng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nông, lâm, thủy sản. 

Nghị quyết cũng yêu cầu rà soát loại bỏ các loại phí, lệ phí không hợp lý trong nông nghiệp; hoàn thiện và tổ chức thực hiện, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân, diêm dân, ngư dân, nhất là ngư dân đánh bắt xa bờ, bảo đảm an toàn, tạo niềm tin và động lực cho người dân bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. 
Theo Danviet.vn