Bệnh viêm đường hô hấp mãn tính trên gia cầm

Bệnh viêm đường hô hấp mãn tính trên gia cầm
Hiện nay, ở miền Bắc và miền Trung nước ta, thời tiết lạnh, khi ấm lên thì độ ẩm tăng cao (trời “nồm”) nên gia cầm rất dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp mãn tính (hội chứng viêm đường hô hấp mãn tính hoặc CRD) hay còn gọi là bệnh “hen”.


Bệnh do Mycoplasma gây nên, có thể xảy ra ở các giống gia cầm như gà, vịt, ngan, và chim bồ câu ở các lứa tuổi khác nhau.

 

Bệnh xảy ra quanh năm, đặc biệt nặng vào mùa mưa rét hoặc nóng ẩm đầu năm, thường xuyên tái phát khi sức khoẻ gia cầm giảm sút do thay đổi thời tiết hoặc chăm sóc, nuôi dưỡng kém.

 

Đường truyền lây của bệnh

 

- Đường truyền lây trực tiếp: chủ yếu qua đường hô hấp từ gia cầm bệnh sang gia cầm khỏe.

 

Bệnh có thể truyền từ mẹ sang con qua trứng.

 

- Đường truyền lây gián tiếp: gia cầm hít phải mầm bệnh trong không khí bị ô nhiễm.

 

Triệu chứng

 

Gia cầm mắc bệnh thường ủ rũ, xù lông, kém ăn, gầy; chảy nước mũi, mắt, hay vẩy mỏ, gia cầm hen rít nhiều về ban đêm; gầy; phân xanh, trắng; sưng mặt; với gia cầm đẻ: tỷ lệ đẻ giảm nhiều.

 

Gà chảy nước mắt, sưng mặt

 

Bệnh tích

 

Túi khí (vùng ngực, bụng) viêm, dày hơn và đục, có thể gặp viêm dính bã đậu. Phổi có thể thủy thũng, thâm đen, nếu bệnh mãn tính, phổi bị nhục hóa, thả vào nước phổi không nổi mà lơ lửng hoặc chìm.

 

   
 Túi khí gà viêm dày, có bã đậu màu vàng   Phổi ngan bị thủy thũng, nhục hóa

 

 Chẩn đoán

 

- Dựa vào các triệu chứng bệnh tích điển hình để chẩn đoán bệnh.

 

- Dùng phản ứng ngưng kết nhanh trên phiến kính.

 

- Phân biệt với bệnh nấm phổi: gia cầm khó thở, có thể có tiếng “khẹc” nhưng không có nước mắt, nước mũi, mỏ và chân rất khô. Phổi có những hạt nấm màu trắng, cứng.

 

Phân biệt với bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm, bệnh viêm khí quản truyền nhiễm: 2 bệnh này do virus gây nên, do đó không điều trị được, chỉ phòng bệnh bằng vacxin; còn bệnh viêm đường hô hấp mãn tính điều trị được bằng kháng sinh.

 

Phòng bệnh

 

- Có thể phòng bệnh bằng vắcxin theo hướng dẫn của nhà sản xuất

 

- Đảm bảo các biện pháp vệ sinh phòng bệnh:

 

+ Chỉ mua gia cầm từ những cơ sở giống tốt, đảm bảo từ đàn bố mẹ không bị bệnh.

 

+ Đảm bảo chuồng thông thoáng, sạch, khô ráo, đủ ấm về mùa đông, mát về mùa hè; định kỳ phun sát trùng khu vực chăn nuôi.

 

+ Mật độ gia cầm nuôi trong chuồng phù hợp.

 

+ Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt để gia cầm khỏe mạnh.

 

Điều trị

 

Dùng một trong các loại thuốc đặc trị như Tylosin, Tylan, Tiamulin hoặc phối hợp với thuốc Genta - costrim, Doxygen, Gentadox, liều theo hướng dẫn sử dụng của hãng thuốc (nếu phối hợp 2 loại thuốc: một loại thuốc đặc hiệu và thuốc kháng sinh thông thường thì liều mỗi loại giảm đi 1/2); có thể hoà nước uống hoặc trộn đều vào thức ăn.

 

Bệnh nặng, có thể tiêm Genta -tylo hoặc Lincospecto, liều theo hướng dẫn sử dụng của hãng thuốc.

 

Kết hợp bổ sung vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực cho gia cầm.

 

Khi điều trị bệnh, việc tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, cải thiện môi trường chăn nuôi, tăng thông thoáng và vệ sinh là điều quan trọng, giúp gia cầm nhanh hồi phục.

 

TS Liên Hương

Theo Trung tâm khuyến nông Quốc gia