Biến cây trái thành hàng độc lạ, mỗi năm bỏ túi hơn 1 tỷ đồng
- Thứ hai - 25/06/2018 10:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Hồ lô” in bản đồ Trường Sa - Hoàng Sa
Ông Ngô Văn Sơn (48 tuổi, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) được biết là người đầu tiên ở vùng bưởi đặc sản Tân Triều dám thử nghiệm cách tạo hình cho trái cây để có nguồn thu nhập lên đến trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Ngô Văn Sơn chăm sóc chậu bưởi bon sai. Ảnh: Hoàng Anh
Ông Ngô Văn Sơn là nông dân điển hình về sản xuất, làm kinh tế giỏi ở địa phương với nhiều cách làm hay và sáng tạo, tạo công ăn việc làm cho 6 người khác ở xã. Ông Bùi Văn Đáng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) |
Xuất thân gia đình thuần nông, ông Sơn được cha mẹ cho thừa hưởng thửa ruộng 2ha để lập nghiệp. “Tôi trồng lúa và thử trồng thêm nhiều loại hoa màu khác nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2000, tôi quyết định chuyển đổi 2ha ruộng thành vườn bưởi. Lúc mới trồng, tôi lo thất bại nhưng không ngờ, chỉ mấy năm sau, cây phát triển nhanh, trái trĩu cành” - ông Sơn thổ lộ.
Đến nay, vườn bưởi của ông Sơn đã bước sang năm thứ 18 và cho thu hoạch đều đặn mỗi năm gần 30 tấn trái. Ông cho biết trong vườn có 1,5ha là bưởi đường lá cam, 5.000m2 còn lại là các loại bưởi da xanh, bưởi ổi.
Theo ông Sơn, việc tiêu thụ trái bưởi phụ thuộc nhiều vào thương lái nên giá không ổn định, khi lên cao, lúc xuống thấp làm nhà vườn rơi vào cảnh khó khăn. Không muốn nông sản của mình làm ra rơi vào thế bí, ông bắt đầu tìm tòi, thử nghiệm các biện pháp nâng cao hiệu quả cho trái bưởi. “Mấy năm trước, tôi nghe người dân ở miền Tây có cách tạo hình cho trái cây nên đã tìm đến để học hỏi. Hồi đó, tôi mang khuôn hồ lô về siết vào bưởi làm ai cũng ngạc nhiên. Nhiều người nghĩ tôi sẽ thất bại” - ông Sơn chia sẻ.
Người nông dân 48 tuổi cho biết sự liều lĩnh ban đầu của ông đã mang lại hiệu quả khi hàng trăm trái bưởi hồ lô độc đáo ra đời. Vào thời điểm đó, mỗi trái bưởi hồ lô bán ra thị trường có giá ngang từ 10 đến 20 trái bưởi thường.
Được biết, ông Sơn chọn những trái đẹp để sản xuất bưởi hồ lô, đặt khuôn có in chữ “Tài - Lộc”, bản đồ Việt Nam với 2 quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa... “Tôi làm bưởi đơn rồi làm bưởi đôi, bưởi 3. Cứ mỗi cặp hồ lô tôi bán được 2-3 triệu đồng, bưởi chùm 3 trái bán 5-6 triệu đồng. Thành công lớn nhất của tôi là làm bưởi tứ quý, tức chùm hồ lô 4 trái. Mỗi chùm 4 như vậy, tôi bán ra thị trường từ 10-12 triệu đồng” - ông Sơn cho hay.
Biến cây trồng thành hàng… độc, lạ
Ngoài việc tạo hình trên bưởi, ông Sơn còn được mệnh danh là người có nhiều cách làm khác người khi biến nông sản thành những món hàng độc, lạ. Theo ông Sơn, người dân thường có quan niệm “cầu, vừa, đủ, xài...” nên ông đã suy nghĩ cách tạo ra những cây, quả đáp ứng nhu cầu.
“Năm ngoái, tôi mua trái dừa già về ươm. Khi dừa lên mầm, tôi lột phần vỏ, cắt một phần gáo rồi trồng thêm các cây con như đu đủ, mãng cầu, xoài để tạo thành chậu cảnh với ý nghĩa “cầu - vừa - đủ - xài”. Chậu cảnh cho cây đẹp, rất nhiều người thích” - ông Sơn nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông đang dự tính làm nhiều chậu cảnh tương tự trong những dịp tết sắp tới để bán ra thị trường.
Mấy năm gần đây, ông Ngô Văn Sơn còn thử nghiệm với mô hình trồng bắp (ngô) và lúa làm chậu cảnh trang trí ở Đồng Nai. Ông nói: “Vào dịp tết, tôi thường nghe ông bà, người thân chúc nhau sức khỏe, làm ăn chắc như bắp, lúa gạo đầy bồ nên chậu cảnh lúa, bắp rất có ý nghĩa. Do vậy, tôi quyết định làm những chậu cảnh nhỏ để cung cấp ra thị trường”.
Theo ông Sơn, trồng bắp, lúa vào chậu là việc ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, để cây cho bắp có trái, lúa trổ bông chín vàng vào đúng dịp tết thì không phải ai cũng làm được. “Nếu bắp cho trái, lúa chín vàng trước tết quá dài thì không ai mua, ngược lại, cây quá non thì khách hàng cũng không mặn mà. Phải tính toán một cách tỉ mỉ để đến khoảng ngày mùng 1 đến mùng 3 tết là bắp ngô trổ râu hồng, lúa trĩu bông vàng. Người chơi thấy năm mới phát lộc như vậy sẽ rất hạnh phúc” - ông Sơn giải thích.
Theo Hoàng Anh (danviet.vn)