Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: An toàn sinh học là đích đến cuối cùng
- Chủ nhật - 31/03/2019 10:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Cục Chăn nuôi, năm 2018, tổng đàn lợn cả nước khoảng 28,8 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi đạt 3,82 triệu tấn, chiếm 72% tổng sản lượng thịt các loại. Hiện, cả nước có khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi với tổng đàn khoảng 13,8 triệu con, chiếm tỷ lệ khoảng 49% tổng đàn và chiếm khoảng 40% sản lượng thịt lợn hơi cả nước. Tổng số trang trại chăn nuôi lợn hiện khoảng 10.167 trang trại, với số đầu lợn trên 14,4 triệu con. Ngoài ra, Việt Nam còn 3,97 triệu lợn nái sinh sản và 76.000 lợn đực giống.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi phát biểu tại cuộc họp
Theo Cục Thú y, tính đến nay toàn thế giới đã có 59 quốc gia phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tại Việt Nam, dịch bệnh đã xuất hiện tại 22 tỉnh, thành phố, tổng số lợn đã bị tiêu hủy là 69.256 con.
Tại cuộc họp, đại diện một số doanh nghiệp (DN) lớn như: Masan, Mavin, Dabaco, Green Feed… đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình sản xuất, đồng thời, nêu lên những khó khăn và đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, ổn định sản xuất của đơn vị.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco cho biết hiện giá lợn hơi đã giảm mạnh. Việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi là quá trình lâu dài không thể một sớm, một chiều. Ông Nguyễn Như So đề xuất thành lập các địa điểm phân phối thịt lợn an toàn ở siêu thị, điểm bán lẻ, nhất là khu vực nông thôn để kích thích tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần tăng kiểm tra, giám sát, nguồn thịt đảm bảo an toàn thực phẩm, có lộ trình cấm giết mổ nhỏ lẻ, khuyến khích xây dựng lò mổ tập trung.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, những năm qua ngành chăn nuôi của nước ta có bước tiến lớn, trong đó có thành tố hạt nhân là các doanh nghiệp. Tuy vậy, về cơ bản, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến, điều kiện đảm bảo an toàn sinh học yếu nên nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.
Nhấn mạnh dịch tả lợn châu Phi đang có những tác động chưa từng có, cực kỳ đặc hữu cho lợn, trong khi thế giới lại chưa có vắc-xin, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết qua thực tế, dịch chủ yếu xảy ra ở các hộ nhỏ lẻ, đối với các DN lớn thì chưa xảy ra việc lây nhiễm dịch bệnh. DN sẽ là “hạt nhân” giữ đàn lợn giống, để bảo đảm phục hồi nguồn cung. Do đó bằng mọi giá phải kiểm soát chặt dịch tả lợn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh DN là hạt nhân nhờ khả năng bắt nhịp rất tốt về công nghệ, kỹ thuật, tổ chức và quản trị về ngành chăn nuôi lợn. Nếu tổ chức làm tốt thì cơ hội sẽ rất lớn bởi tiêu thụ thịt lợn vẫn chiếm thị phần rất lớn.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định an toàn sinh học là đích đến cuối cùng. Thực tế cho thấy, bảo đảm an toàn sinh học là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các DN tổng rà soát các giải pháp an toàn sinh học, bảo đảm cao nhất điều kiện chuồng trại, cơ sở vật chất, quy trình kỹ thuật, cũng như tổ chức sản xuất, khâu giám sát tập thể; Kiểm tra toàn bộ các khâu liên quan như nguyên liệu chế biến thức ăn, phương tiện vận chuyển (phải có xe chuyên dụng), quy chuẩn hóa chu trình vận chuyển. Rà soát chặt để điều phối khoa học quy trình sản xuất kinh doanh vừa bảo đảm tiêu thụ bình thường, vừa bảo quản lạnh, tránh tình trạng sốt hàng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp tìm giải pháp bình ổn thị trường, làm sao để người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn.
Bộ trưởng khẳng định: Thị trường trong nước với 100 triệu dân, nước láng giềng Trung Quốc đang bị dịch tả lợn châu Phi hoành hành, giá lợn đang tăng, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rất lớn, nếu tổ chức chăn nuôi tốt, đảm bảo an toàn trước dịch bệnh thì đây sẽ là cơ hội cho các DN, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam trong tương lai.
Theo HNN/mard.gov.vnkl