Cà Mau: Nuôi loài chim bé như nắm tay nhưng mắn đẻ

Cà Mau: Nuôi loài chim bé như nắm tay nhưng mắn đẻ
Từ mô hình nuôi chim cút, trong năm 2019, gia đình anh Lê Tính Thành, khóm 4, thị trấn U Minh, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) có thu nhập gần 250 triệu đồng từ việc bán trứng cút, cút thịt, cút giống. Cút mái nuôi từ 45-50 ngày sẽ đẻ trứng.

Mặc dù, kinh tế gia đình cũng tương đối khá giả nhưng với bản chất cần cù, chịu khó và siêng năng trong lao động sản xuất, đầu năm 2019, anh Thành đầu tư vốn thực hiện mô hình nuôi cút giống và cút thịt để góp phần tăng thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình.

 ca mau: nuoi loai chim be nhu nam tay nhung man de hinh anh 1

Anh Thành đang chăm sóc đàn cút của gia đình.

Lúc mới triển khai thực hiện mô hình nuôi chim cút, anh Thành tận dụng cây ván địa phương để đóng chuồng, dùng lưới dây chì lổ nhỏ bao xung quanh để giảm chi phí và mua 150 con chim cút giống và 100 trứng cút giống về ấp. Sau khi ấp được 2 tuần nở ra được hơn 80 con cút con khỏe mạnh, nuôi rất mau lớn.

Cứ thế, anh Thành tiếp tục nhân giống chim cút. Đến nay, đàn chim cút của gia đình anh Thành hiện có khoảng 9.000 con. Tron đó, có khoảng 3.000 con chim cút thịt, 4.000 con cút mái đang trong thời kỳ sinh sản, 2.000 con chim cút mới nở 10 ngày tuổi.

Bình quân 1 ngày đàn chim cút mái này đẻ từ 1.000 đến 1.200 trứng, mỗi trứng bán cho bạn hàng được 400 đồng, bán lẻ được 500 đến 600 đồng/trứng. Cút thịt có giá bán được 12.000 đồng/con. Mỗi ngày gia đình anh Thành bán từ 50 đến 70 con cút thịt. Vừa bán trứng cút, cút thịt, 1 ngày gia đình anh thu nhập khoản 1 triệu đồng.

 ca mau: nuoi loai chim be nhu nam tay nhung man de hinh anh 2

Mỗi ngày đàn cút mái của gia đình anh Thảnh để trên 1.000 trứng.

Anh Thành tự tin cho biết: “Nếu so với nuôi gà, vịt, heo thì nuôi cút thu nhập cao hơn, rủi ro thấp, con giống chỉ tốn lần đầu, từ vụ nuôi thứ hai không cần phải mua thêm con giống, con cút tái đàn rất nhanh. Gần 1 năm nay, nhờ nuôi cút mà gia đình tôi có nguồn thu nhập đáng kể, ngày nào cũng có tiền vô đều đều. Theo ước tính, như thu nhập hiện nay, trong 1 năm gia đình tôi bán trứng cút, cút thịt, cút giống từ 200 đến 250 triệu đồng trở lên...". 

Theo kinh nghiệm nuôi chim cút của anh Thành, để chim cút khỏe mạnh, đẻ trứng đều, chuồng trại phải thoáng mát, thường xuyên làm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ tránh gây dịch bệnh cho đàn cút. Nước cho chim cút uống phải là nước sạch, thức ăn là loại cám chuyên dụng cho loài chim cút, ngày cho ăn 2 - 3 lần.

"Nhằm tăng dinh dưỡng cho cút, thỉnh thoảng pha các loại VitaminC vào nước hoặc thức ăn. Loài vật này, không cần nhỏ vắc xin như gà, nhưng khâu tiêu độc khử trùng hết sức quan trọng, phải triển khai thường xuyên. Cút là động vật thích yên tĩnh, vì vậy khi chọn vị trí làm chuồng cũng phải hợp lý. Trong lúc nuôi, mỗi chuồng nuôi mắc 1 bóng đèn để giữ ấm cho cút....", anh Thành chia sẻ kỹ thuật nuôi chim cút.

 ca mau: nuoi loai chim be nhu nam tay nhung man de hinh anh 3

Đàn cút con mới nở hơn 10 ngày tuổi của gia đình anh Thành.

Theo anh Lê Tính Thành, khi ấp trứng cút lúc nở con nên tiêm phòng vắc xin và phòng, chống các dịch bệnh cho đàn cút. Muốn hạn chế chim cút bị hao hụt, trong quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe đàn cút và sưởi đủ ấm cho chúng trong thời gian 1 tuần đầu cút mới nở.

"Riêng chim cút đẻ, phải chú trọng phòng, chống bệnh tiêu chảy, giúp chim đẻ khỏe, kéo dài thời gian cho trứng. Chim cút nuôi 35 đến 40 ngày là bán cút thịt được. Riêng chim cút mái nuôi khoảng 45 đến 50 ngày tuổi thì bắt đầu đẻ trứng. Thời gian đẻ trứng của cút duy trì từ 5 đến 7 tháng rồi giảm dần. Người nuôi chọn lựa số cút già bán đi để gầy dựng lại đàn cút khác...", anh Thành cho hay.

Chị Đặng Thị Xinh vợ anh Thành chia sẻ: “Từ ngày gia đình tôi nuôi cút đến giờ, cuộc sống khấm khá hơn trước đây rất nhiều, việc chi tiêu trong gia đình hàng ngày cũng thoải mái hơn trước. Gia đình tôi hiện nay có của ăn của để, 2 con gái của tôi đến trường học tập được gia đình quan tâm và lo chu đáo. Sắp tới, vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư thêm vốn để cất thêm chuồng nuôi chim cút. Nuôi chim cút không khó, chăm sóc cũng ít, chi phí đầu tư không nhiều lắm. Cút thịt và trứng cút trên thị trường tiêu thụ rất dễ, người tiêu dùng ngày càng nhiều, nhiều nhất là các nhà hàng, quán ăn”.

Mong rằng, trong thời gian tới, mô hình nuôi chim cút của anh Lê Tính Thành, ở khóm 4, thị trấn U Minh, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) cần được nhân rộng để nhiều hộ nông dân khác học tập, làm theo phát triển kinh tế gia đình ngày một ổn định hơn.
Theo Hùng Phước/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/ca-mau-nuoi-loai-chim-be-nhu-nam-tay-nhung-man-de-1041512.html