Cà chua đổ đầy đường, nỗi khốn cùng của người nông dân

Cà chua đổ đầy đường, nỗi khốn cùng của người nông dân
Lại một sự kiện đau lòng nữa vừa xảy ra với những người nông dân xứ ta đó là tại vựa rau Lâm Đồng vì giá thu mua quá thấp chỉ vài trăm đồng một kí lô, hàng trăm tấn cà chua chín đỏ bị đổ ra đường, những chiếc xe tải, xe máy và cả những chiếc xe sang trọng đi qua đè bẹp lên, ruột cà chua đỏ au phọt ra...
Trước đó biết bao sự kiện đau lòng như thế đã liên tiếp xảy ra: Thanh long cho bò ăn, bắp cải thối chất đống rồi cafe rớt giá, rồi lúa rớt giá...

Và một điều quá quen thuộc như bao lần trước trong nỗi chua xót vô bờ bến của người nông dân, trong đầm đìa nước mắt của người nông dân vì bị đẩy vào canh bạc mà kẻ luôn trắng tay là họ, kéo theo những hệ lụy khốn khổ khác là những đứa con của họ không biết lấy đâu tiền để đóng học phí, mà học phí càng ngày càng tăng cao, lấy đâu ra tiền để trả lãi ngân hàng, để trăm thứ chi tiêu tối thiểu của một con người, vẫn là sự lạnh lùng dửng dưng của những người có trách nhiệm trong ngàng nông nghiệp, công thương, và quản lý nhà nước.

Vâng trước nỗi khốn cùng của người nông dân hiếm thấy ai, những người trên các diễn đàn luôn miệng nói về giai cấp chủ lực công nông, về vai trò quyết định của 70 triệu người nông dân đối với vận mệnh dân tộc, mạnh mẽ lên tiếng hết. Rồi cả những vị là đại diện của nông dân cũng ngậm tăm. Rồi cả những nhà văn, nghệ sĩ luôn tràn trề cảm xúc tình thương và lòng trắc ẩn cũng chưa thấy tiếng nói động con tim.

Chúng ta những người bấy lâu sống trên mồ hôi nước mắt của người nông dân không biết tự lúc nào nữa đã trở thành những kẻ vô cảm trước những bất hạnh có thể nói đụng đến cả trời xanh của họ?
 
Hàng trăm tấn cà chua chín đỏ bị đổ ra đường, số phận người nông dân đi về đâu?
Hàng trăm tấn cà chua chín đỏ bị đổ ra đường, số phận người nông dân đi về đâu?
Ai trong chúng ta đã vô tình buông câu - thị trường là như thế? Ai trong chúng ta chỉ biết thở dài - sản xuất nhỏ không có dự báo là phải chấp nhận rủi ro? Ai trong chúng ta cảm thấy lương tâm mình được thanh thỏa khi đã lên tiếng về các nguyên nhân cơ bản tại các diễn đàn kinh tế về nền nông nghiệp không có chiến lược phát triển, không có đầu tư công nghệ, không có nền công nghiệp chế biến can dự, không có thị trường xuất khẩu, không có hệ phân phối minh bạch thì người nông dân còn muôn đời gánh chịu canh bạc trắng tay để rồi khi những sự kiện nông sản bị đổ ra đường chỉ chậc chậc lưỡi: Đã bảo rồi mà.
 
Trên ti vi dân chúng quen với sự xuất hiện của các vị lãnh đạo trong các sự kiện tưng bừng khai trương, trong các cuộc tiếp xúc cử tri mặt luôn phơi phới nhưng chưa hề thấy vị nào xuất hiện ở những nơi thanh long, cà chua, bắp cải đổ ra đường... để dù là chia sẻ chút nào đó với nỗi đau của người nông dân, để có thể giận dữ với những nghịch lý mà người nông dân đang gặp phải, để cùng cả hệ thống chuyển động, hành động hướng tới một nền nông nghiệp bền vững.
 

Vâng , lúc này, ở vựa rau lớn nhất cả nước là Lâm Đồng vẫn còn đó những con đường cà chua đỏ ối ngập ngụa. Rồi sẽ còn tiếp diễn những nghịch lý, những bi kịch này với biết bao nông sản khác.

Người nông dân với năng lực vô cùng hạn chế của mình biết trông chờ vào ai để có thể đưa họ thoát khỏi những canh bạc rủi ro triền miên trên những cánh đồng đẫm mồ hôi nước mắt của họ? Phải chăng số phận của những người nông dân không liên quan tới số phận của dân tộc, tới số phận của tất cả chúng ta?
 
Theo Lưu Trọng Văn
Một Thế Giới