Cả nước tập trung phòng chống dịch: Khẩn cấp ứng phó

Cả nước tập trung phòng chống dịch: Khẩn cấp ứng phó
Trước tình hình dịch cúm gia cầm (CGC) H5N1 lan rộng trên cả nước, trong khi virus cúm A/H7N9 từ Trung Quốc (TQ) rình rập xâm nhập vào nước ta, hôm qua (18/2), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì, cùng Bộ NN-PTNT và nhiều tỉnh, thành có nguy cơ cao đã họp khẩn triển khai các giải pháp ứng phó.

Ráo riết chặn biên giới 

Báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngay sau khi nhận được Kế hoạch hành động khẩn cấp của BCĐ Quốc gia Phòng chống dịch CGC cũng như Công điện số 200/CĐ-TTg ngày 14/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung phòng chống dịch CGC và các chủng virus CGC lây sang người, Lạng Sơn đã lập tức lên kế hoạch chi tiết đối phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Cụ thể tới thời điểm này, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành lệnh nghiêm cấm mọi hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới hai nước dưới mọi hình thức (kể cả cho, tặng và NK chính ngạch). Đặc biệt, tỉnh này đã ráo riết triển khai lực lượng bịt chặt các địa bàn có nguy cơ cao tại các đường mòn lối mở, các khu vực cánh gà ven các cửa khẩu chính như Đồng Đăng, Chi Ma, Hữu Nghị, Tân Thanh...

Đối với các chợ gia cầm nội địa, Lạng Sơn cũng đã yêu cầu có khu vực cách li riêng, đồng thời thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ sau mỗi buổi chợ và sẽ đóng cửa chợ 1 lần/tháng theo hướng dẫn của BCĐ Quốc gia Phòng chống dịch CGC.


Theo giám sát của Cục Thú y, cứ 100 chợ gia cầm thì 6 chợ có virus cúm A/H5N1

Trước nguy cơ virus H7N9 xâm nhập từ TQ vào nước ta đang rất nguy hiểm, Lạng Sơn lên phương án chi tiết cho các tình huống. Theo đó, tỉnh đã xác định và bố trí sẵn nhiều khu cách li trong tình huống phát hiện người nhiễm virus H7N9 (trong đó có Phòng khám đa khoa khu vực Đồng Đăng, Bệnh viện đa khoa tỉnh...), với số lượng giường bệnh trung bình 100 giường/điểm cách li, cùng với các lực lượng, thiết bị y tế sẵn sàng trực chiến.

Tại ba cửa khẩu chính gồm Tân Thanh, Đồng Đăng và Hữu Nghị, UBND tỉnh chỉ đạo ngành y tế triển khai 3 máy đo thân nhiệt từ xa nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm để đưa tới các điểm cách li kiểm tra virus cúm.

Tại Lào Cai, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Doãn Văn Hưởng cho biết đã chỉ đạo ngành y tế bố trí 2 máy đo thân nhiệt từ xa tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, bố trí sẵn các điểm cách li, kiểm tra xét nghiệm virus cúm khi phát hiện các ca nghi nhiễm cúm từ phía TQ sang. Đồng thời, yêu cầu các lực lượng chức năng chốt chặn hoàn toàn gia cầm qua biên giới.

Liên quan đến tình hình virus cúm A/H7N9 tại TQ, ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lo ngại: Việc Việt Nam giữ được sự xâm nhập của virus H7N9 cho tới thời điểm này là một nỗ lực lớn. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn đang vô cùng nguy hiểm, kể cả việc giám sát trong nước hiện chưa phát hiện sự có mặt của virus H7N9 nhưng không hẳn chủ quan.

Theo ông Phu, số liệu từ cơ quan y tế TQ cho thấy thời gian qua, trong số 33 nghìn mẫu kiểm tra mà TQ đã tiến hành, chỉ mới phát hiện vẻn vẹn 8 mẫu dương tính virus cúm A/H7N9. Đây là một tỉ lệ rất bé, trong khi đó số lượng các ca nhiễm bệnh trên người lại rất lớn.

Về chủ trương đóng cửa chợ gia cầm, ông Phu đánh giá chưa thể có cơ sở khẳng định có hiệu quả phòng dịch, và việc triển khai cũng không dễ. “Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới- WHO hiện chưa đưa ra khuyến cáo phòng chống cúm A/H7N9 đối với hoạt động du lịch, nhưng TQ cũng đã khuyến cáo khách du lịch và người dân không nên tiếp xúc với các chợ gia cầm. Đối với nước ta, tôi cho rằng trước mắt cần tập trung cho công tác tuyên truyền để người dân chủ động phòng chống. Thời gian qua chúng ta chưa thực hiện tuyên truyền quyết liệt” – ông Phu nói. 

Nhiều tỉnh giấu dịch

Trong khi virus cúm A/H7N9 vẫn đang rình rập thì ở trong nước, dịch CGC H5N1 vẫn đang tiếp tục bùng phát và có nguy cơ lan ra trên diện rộng.


Hàng loạt chủng virus CGC đang rình rập nước ta

Cục Thú y cho biết tới thời điểm hiện tại, dịch CGC đã xuất hiện tại 14 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có 11 tỉnh xảy ra các ổ dịch với mức độ đáng kể với tổng cộng 24 ổ khiến gần 24 nghìn con gia cầm chết và mắc bệnh và hơn 30 nghìn con phải tiêu hủy. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đánh giá, CGC H5N1 đang có nguy cơ lan ra diện rộng và dịch chưa đạt tới đỉnh.

Trong khi đó, công tác phòng chống dịch tại một số địa phương đã xuất hiện nhiều vấn đề đáng lo ngại. Cụ thể tại tỉnh Lào Cai, xuất hiện tình trạng người dân vứt xác gia cầm chết vì dịch xuống sông, hồ...

UBND tỉnh Lào Cai cho biết các cơ quan chức năng đã phải xử phạt đối với một hộ dân tại thị trấn Phố Lu (huyện Bảo Thắng) với số tiền 4,8 triệu đồng vì hành vi này. Bên cạnh việc thông tin, tuyên truyền được đánh giá là chưa quyết liệt, nhiều địa phương cũng đang xảy ra tình trạng giấu dịch, ngại công bố dịch.

Cụ thể theo Cục Thú y, trong số 14 tỉnh xuất hiện CGC thì tới thời điểm này, mới chỉ có 5 tỉnh có công bố dịch. Một số tỉnh như Cà Mau mặc dù đã xuất hiện nhiều điểm dịch nguy hiểm nhưng đến nay vẫn kiên quyết từ chối chưa công bố dịch.

Về vấn đề này, ông Trần Trọng Bình – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) lo lắng: Hiện nay Bộ luật Hình sự đã có các quy định cụ thể cho việc xử lí các hành vi phát tán lan truyền dịch bệnh trên người và gia súc gia cầm. Tuy nhiên, muốn áp dụng được các chế tài mạnh tay này, các địa phương cần phải công bố dịch thì mới xử lí và ngăn chặn được dịch bệnh. Tuy nhiên oái oăm là nhiều địa phương không hiểu sao cố tình không công bố dịch.

Ông Bình dẫn chứng: Từ đầu năm đến nay, đã có 2 ca tử vong vì cúm A/H5N1 trên người tại Bình Phước và Đồng Tháp. Nhưng cả 2 tỉnh này lại đều chưa công bố dịch. Vì thế, lực lượng công an dù có quyết liệt đến đâu cũng rất khó ngăn chặn các hình vi vi phạm trong buôn bán, vận chuyển, SX sản phẩm gia súc gia cầm có nguy cơ phát tán dịch bệnh.

“Trước đây, chúng tôi đã tóm gọn một vụ thu gom, chế biến lợn và gia cầm chết vì dịch tại Hà Nội, nhưng vì không có công bố dịch nên muốn xử lí hình sự đối tượng cũng không thể có căn cứ” – ông Bình phản ánh.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:

“Việc chống dịch CGC H5N1 cũng như virus H7N9, yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm 5 nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Công điện số 200 ngày 14/2/2014. Bên cạnh đó, yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải gấp rút ban hành kế hoạch hành động ứng phó thật chi tiết, cụ thể.  

Đối với các tỉnh biên giới, yêu cầu Bộ Công an, Lực lượng QLTT, Bộ đội Biên phòng và địa phương thực hiện nghiêm lệnh cấm hoàn toàn việc vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới. Đồng thời, các địa phương trong cả nước thực hiện rà soát các chợ gia cầm, thực hiện nghiêm theo Kế hoạch hành động khẩn cấp của BCĐ Quốc gia Phòng chống dịch CGC, đặc biệt là đẩy mạnh việc tuyên truyền.

 Bộ NN-PTNT thực hiện báo cáo diễn biến dịch với Chính phủ 1 lần/tuần; các địa phương báo cáo Bộ NN-PTNT 1 lần/ngày; Cục Thú y cập nhật tình hình dịch theo giờ trong ngày. Đồng ý nâng số lượng vacxin CGC dự phòng quốc gia lên 6 triệu liều”.

Nguồn: nongnghiep.vn