Các giải pháp cấp bách để phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm
- Thứ năm - 28/01/2016 02:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xác định tình hình thời tiết khí hậu vào vụ đông xuân hàng năm tại các tỉnh phía Bắc thường rất giá lạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi và các cơ quan chuyên môn của Bộ chủ động lập kế hoạch và hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc gia cầm. Cụ thể, ngày 13/10/2015 Cục Chăn nuôi đã ban hành Công văn số 1462/CN-GSL về việc chủ động phòng chống đói rét cho vật nuôi; ngày 16/12/2015 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Chỉ thị số 10200/CT-BNN-CN về việc phòng chống đói rét cho gia súc trong vụ đông – xuân năm 2015 – 2016.
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện phòng chống đói rét cho gia súc.
Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua xuất hiện thời tiết cực đoan giá lạnh, nhiều địa phương xuất hiện băng tuyết kéo dài, nhiệt độ xuống thấp, thậm chí có nơi đến -50C đã làm chết gần 2.600 con gia súc.
Để giảm thiểu thiệt hại trên đàn gia súc, Thủ tướng Chính phủ đã gửi Công điện yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10200/CT-BNN ngày 16/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phòng, chống đói, rét cho gia súc trong vụ đông xuân 2015-2016 và chỉ đạo công tác phòng chống rét cho thủy sản nuôi. Chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến thời tiết và thông báo, hướng dẫn nhân dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét, bảo đảm an toàn cho người, sản xuất nông nghiệp, hạn chế thiệt hại.
Để thực hiện tốt công tác phòng chống đói rét cho vật nuôi, cần thực hiện các giải pháp cấp bách như sau:
1. Đối với công tác chỉ đạo điều hành
- Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát công tác phòng chống đói rét cho vật nuôi, gắn trách nhiệm trong việc chỉ đạo công tác phòng chống đói, rét cho gia súc đối với chính quyền và cơ quan chuyên môn địa phương (tỉnh, huyện, xã) trong việc để cho trâu, bò chết rét trong vụ đông xuân.
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, tổng hợp và đánh giá kết quả, khen thưởng kỉ luật kịp thời.
- Bổ sung ngân sách và ứng kinh phí hỗ trợ thức ăn thô xanh, thức ăn thô khô như rơm khô, cỏ khô làm thức ăn cho trâu bò.
- Tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ vật nuôi.
2. Đối với hoạt động chuyên môn
Các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật sau:
- Tuyên truyền hướng dẫn người dân không thả rông gia súc hoặc chăn thả gia súc khi trời mưa, gió lạnh; có biện pháp phòng chống giá rét và che mưa cho gia súc khi vận chuyển hoặc chăn thả.
- Cung cấp tài liệu hướng dẫn phòng tránh đúng kỹ thuật, sử dụng tờ rơi bằng hình ảnh hướng dẫn cụ thể cho người chăn nuôi
3. Người chăn nuôi cần thực hiện các công việc sau
- Thực hiện nuôi nhốt gia súc khi trời mưa rét.
- Giữ chân móng của gia súc luôn khô, sạch, ấm (không để dính bùn, phân ướt).
- Mặc áo ấm cho trâu, bò khi nhốt trong chuồng bằng bao tải, vải bạt, chăn, chiếu… khi có rét.
- Cung cấp đủ thức ăn thô xanh, thô khô (rơm khô, cỏ khô, cỏ tươi, thân lá cây ngô,…) cho trâu, bò. Trường hợp thức ăn bị dính ướt, cần để ráo nước trước khi cho trâu, bò ăn. Bổ sung thêm thức ăn tinh bột cho trâu, bò khoảng từ 1 - 3 kg/con/ngày
- Cho trâu, bò uống nước ấm pha muối với nồng độ thấp (9‰).
- Thực hiện sưởi ấm cho gia súc, tuy nhiên cần thường xuyên kiểm tra để tránh gia súc bị chết do ngạt khói.
TỔNG HỢP SỐ LƯỢNG GIA SÚC THIỆT HẠI DO ĐÓI, RÉT
(tính đến 17h ngày 26/01/2016)
TT | Tỉnh | Tổng số | Trâu | Bò | Gia súc khác (dê, ngựa, lợn) | Ghi chú (huyện có gia súc chết) | ||
Nghé | Trâu | Bê | Bò | |||||
Tổng | 2.594 | 732 | 700 | 212 | 349 | 601 | ||
1 | Lạng Sơn | 169 | 60 | 37 | 29 | 9 | 34 | Tràng Định, Cao Lộc, Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Lãng, Lộc Bình, Tràng Định, Đình Lập, Hữu Lũng, Văn Quan |
2 | Lào Cai | 354 | 145 | 112 | 25 | 29 | 43 | Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát |
3 | Lai Châu | 138 | 94 | 38 | 3 | 3 |
| Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tam Đường, Tp. Lai Châu |
4 | Sơn La | 686 | 57 | 220 | 41 | 232 | 136 | Sốp Cộp, Thuận Châu, Bắc Yên, Mai Sơn, Yên Châu, Vân Hồ, Phù Yên |
5 | Yên Bái | 248 | 86 | 95 | 36 | 25 | 6 | Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Lục Yên |
6 | Quang Ninh | 432 | 3 | 70 | 2 | 8 | 349 | Tp. Uông Bí, Bình Liêu |
7 | Điện Biên | 228 | 130 | 43 | 38 | 14 | 3 | Tuần giáo, Mường Chà, Tp. Điện Biên |
8 | Hòa Bình | 201 | 65 | 57 | 35 | 25 | 19 | Đà Bắc, Mai Châu, Lương Sơn, Lạc Thủy, Cao Phong, Tân Lạc |
9 | Bắc Giang | 28 | 21 | 3 | 1 |
| 3 | Sơn Động, Lục Ngạn |
10 | Bắc Cạn | 9 | 7 | 2 |
|
|
| Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Đồn |
11 | Hà Giang | 101 | 64 | 23 | 2 | 4 | 8 | Yên Minh, Hoàng Su Phì, Bắc Mê |
(Nguồn: Phòng Gia súc lớn – Cục Chăn nuôi)
Văn Hưởng
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia