Cẩm Xuyên tập trung khống chế dịch cúm gia cầm H5N1

Cẩm Xuyên tập trung khống chế dịch cúm gia cầm H5N1
Bắt đầu từ sáng 17/2, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên có hiện tượng đàn vịt ốm chết hàng loạt. Đến sáng 20/2, dịch cúm đã phát sinh tại 2 xã Cẩm Quang và Cẩm Hòa làm 1.523 con gà, vịt của 3 hộ dân ở 3 thôn bị ốm chết và tiêu hủy...
 

Cẩm Xuyên tập trang khống chế dịch cúm gia cầm H5N1

Cán bộ thú y xã Cẩm Quang trực tiếp đến tận hộ gia đình tiêm phòng cho đàn gia cầm

Đàn vịt dương tính với vi-rút H5N1 đầu tiên trên địa bàn tỉnh ta được xác định là của hộ anh Nguyễn Văn Thông (thôn 5, xã Cẩm Quang). Theo chủ hộ, đàn vịt 1.000 con 5-6 tháng tuổi của gia đình mấy ngày trước còn khỏe mạnh, thế mà, chỉ trong một vài ngày có hiện tượng ốm, chết như “ngả rạ” cả trăm con. Ngay sau đó, anh đã chủ động báo cáo lên chính quyền địa phương và cơ quan thú y lấy mẫu kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Ông Phạm Đào Tịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao KHCN & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi Cẩm Xuyên cho biết: “Ngay khi có thông báo tình hình, lực lượng thú y huyện đã có mặt kịp thời lấy mẫu kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi xem xét biểu hiện lâm sàng, chúng tôi chỉ đạo tiêu hủy toàn bộ số vịt còn lại của hộ nuôi với 625 con; đồng thời, chỉ đạo gấp rút công tác tiêm phòng, phun hóa chất và rắc vôi bột tiêu độc khử trùng nhằm bao vây, khống chế mầm dịch không để phát sinh”.

Thực tế, Cẩm Quang là một trong những xã có mật độ chăn nuôi khá dày và tổng đàn liên tục tăng theo từng năm. Toàn xã có đến 15 trang trại với quy mô 150-1.000 con, còn nuôi từ 100 con trở xuống thì phải có đến hàng trăm hộ. Rất có thể chính trong môi trường chăn nuôi tại chỗ, mầm bệnh đã âm ỉ phát sinh và bùng phát khi gặp các yếu tố thuận lợi. Đó là lý do, ngay trong sáng 20/2, sau 3 ngày phát sinh mầm bệnh, khi chúng tôi theo chân cán bộ thú y đi tiêm vắc-xin phòng dịch cúm H5N1 tại xã Cẩm Quang thì nhận được báo cáo phát sinh thêm vịt bị ốm chết tại hộ nuôi Nguyễn Văn Hiến (thôn 5). Đàn vịt 150 con của gia đình ông chỉ mới nuôi được 1 tháng để tái đàn và bắt đầu có biểu hiện phát bệnh từ chiều tối 19/2. Ông Nguyễn Văn Hiến cho biết: “Hôm qua, khoảng chục con có dấu hiệu lờ đờ, bỏ ăn, nằm rạp xuống, tôi đã bắt nhốt riêng và đến sáng nay thì chết hết. Trong vòng vài giờ đồng hồ đầu buổi sáng nay, có hơn 30 con vịt giãy chết”.

Cẩm Xuyên tập trang khống chế dịch cúm gia cầm H5N1

Xã Cẩm Quang kịp thời lập 5 chốt kiểm dịch ngay khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt tại hộ ông Nguyễn Văn Thông

Đúng là không thể lường hết được các tình huống trong cuộc chiến cam go với dịch. Một lần nữa, lãnh đạo huyện, địa phương lại phải dồn sức khống chế ổ dịch mới, quyết định tiêu hủy trước khi có kết quả mẫu kiểm tra theo phương châm: dịch tới đâu, bao vây khống chế và cắt mầm lây lan tới đó!

Ông Trần Công Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Quang cho biết: “Quan điểm của xã là không giấu dịch, rất may, điểm dịch mới này vẫn nằm trong vùng bị khống chế. Ngay khi phát hiện hộ đầu tiên có gia cầm ốm chết (17/2), xã đã chỉ đạo lập 5 chốt kiểm dịch; phân công cán bộ xuống tận hộ để kiểm tra, đồng thời phát trên loa truyền thanh của xã về tình hình dịch để bà con chủ động các phương án phòng chống hiệu quả. Sáng 20/2, chúng tôi đã tổ chức tiêm phòng tập trung cho đàn gia cầm từ 50 con trở xuống; đối với những trang trại thì chủ trương phát vắc-xin đến tận hộ và cử cán bộ thú y tiến hành tiêm. Hiện nay, chúng tôi đã nhận hơn 30.000 liều vắc-xin, 54 lít hóa chất để cấp phát cho các hộ, đồng thời trích ngân sách mua 8 tạ vôi bột tiêu độc khử trùng vùng dịch”.

Xã có dịch, người dân cũng tất tả ngược xuôi, khi thì lo vây nhốt đàn vật nuôi nhà mình, lúc lại cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau khử trùng chuồng trại, bắt gà vịt đi tiêm phòng. Bà Nguyễn Thị Đăng (thôn 5) chia sẻ: “Nghe nói xã có dịch, tôi lo lắm. Nhà có hơn 60 con gà, kinh tế phụ thuộc vào đấy cả. Từ sáng, tôi đã bảo con nhốt gà để cán bộ thú y vào tiêm phòng cho 100% đàn vật nuôi”. Miệng nói, tay làm, ngoài số gà được nhốt sẵn trong chuồng, bà còn cho tiêm cả những con gà mái đẻ.

Được biết, tinh thần chống dịch cũng diễn ra khá quyết liệt tại xã có dịch còn lại là Cẩm Hòa. Từ chính quyền địa phương đến người dân đều nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch kịp thời. Trong đó, đáng ghi nhận là sự tự giác phát hiện và báo cáo kịp thời cơ quan chuyên môn của người dân. Đây là yếu tố quan trọng để kìm hãm sự lây lan của dịch. Theo nguồn tin cơ sở, đến hết ngày 19/2, tổng đàn gia cầm ốm chết, tiêu hủy của xã Cẩm Hòa là 746 con, trong đó 634 con gà và 112 con ngan của 2 hộ thuộc 2 thôn Phú Hòa và Bắc Hòa.

Rõ ràng, những động thái tích cực của chính quyền và ngành thú y đã tăng hiệu quả công tác dập dịch tại cơ sở. Tất nhiên, lật lại vấn đề thì sự thành bại vẫn nằm ở ý thức chấp hành đầy đủ quy định về phòng chống dịch bệnh; tiêm phòng vắc-xin của hộ chăn nuôi. Điều này sẽ giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả kinh tế và tạo ra môi trường chăn nuôi an toàn, bền vững.

NGUYỄN OANH - CHÍNH THU
Nguồn: boahatinh.vn