Cam bù được trồng chủ yếu ở ba huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang (Hà Tĩnh), với diện tích lên tới hàng trăm nghìn ha.
Ông Nguyễn Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND xã Hương Thủy (Hương Khê) cho biết, toàn xã có khoảng 80 ha cam, trong đó một nửa diện tích trồng cam bù. Người dân trong xã trồng cam theo trang trại, mỗi hộ có hàng nghìn gốc.
Cam bù Hương Sơn có màu vàng đậm, một số quả chưa chín thì màu pha lẫn vàng xanh. Loại quả này nhiều năm qua là đặc sản quý của người dân Hà Tĩnh, thường được đem làm quà biếu.
Mùa thu hoạch cam bù Hương Sơn bắt đầu từ tháng 12 âm lịch và kéo dài đến qua Tết. Cứ đến vụ, người dân thường thu hái đem đi bán, nhập cho các đại lý bán lẻ; một số trang trại lớn thì được thương lái tới thu mua ngay tại vườn.
Ông Phạm Quang Hùng (56 tuổi, trú xã Hương Thủy) cho biết, trang trại của ông trồng 3.500 gốc cam bù Hương Sơn, còn một tháng nữa mới đến vụ chính, song hiện có nhiều quả đã chín. Mỗi cây cao chừng 2 m, cho chừng 100 quả, có cây gần 200 quả.
Nhiều cây sai quả, phải dùng cọc gỗ chống để quả không sà xuống đất.
Để có mùa cam thu hoạch tốt, công việc cắt tỉa cành luôn được chú trọng. Các chủ trang trại lớn đều thuê nhân công chăm sóc cây cam mỗi ngày.
Theo ông Hùng, trong số các loại cam, chăm sóc cam bù Sơn là công phu nhất. "Trung bình mỗi gốc cam trồng khoảng bốn năm mới cho quả. Ngoài bón phân chuồng, tôi nghiền đậu tương, bỏ vào bể chứa 140 khối nước, sau đó dùng hệ thống lọc nước nhỏ giọt tưới cho cây", ông Hùng nói.
Để đuổi côn trùng, chủ trang trại dùng chai nhựa, đục lỗ thủng bỏ hạt long não bên trong rồi treo lên cành cây.
Cùng với việc thu hoạch cam, người dân còn cải tạo đất trống tại trang trại, trồng thêm những cây cam mới để dần thay thế cho các gốc già cỗi.
Theo chủ tịch UBND xã Hương Thủy, cam bù Hương Sơn là cây mang lại thu nhập chính cho người dân trên địa bàn; nhiều gia đình thu nhập lên đến vài tỷ đồng mỗi năm nhờ cam bù.
Cam được bày bán dọc quốc lộ 15A đoạn qua huyện Hương Khê. Giá cam bù Hương Sơn thu mua tại vườn là 60.000 đồng/kg.