Cấm tiệt thuốc BVTV độc hại: Được hay không? Đề xuất “dẹp loạn”

Cấm tiệt thuốc BVTV độc hại: Được hay không? Đề xuất “dẹp loạn”
Cục BVTV vừa có văn bản báo cáo Bộ NN-PTNT, theo đó đề xuất hàng loạt các giải pháp mạnh tay nhằm chấn chỉnh hoạt động đăng ký và sử dụng thuốc BVTV. Liệu các giải pháp này có đủ sức “dẹp loạn” tình hình?

Một năm nữa, thuốc “độc cao” mới bị trảm

Theo Cục BVTV, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về việc thắt chặt quản lý, sử dụng thuốc BVTV trên rau trong thời gian tới, Cục BVTV đã tổ chức họp Hội đồng kỹ thuật với nội dung xây dựng danh mục thuốc BVTV tối thiểu và phương án kiểm soát sử dụng thuốc BVTV trên rau. 

Cụ thể, năm 2006, theo đề xuất của Cục BVTV, Bộ NN-PTNT đã có Quyết định số 89/2006/QĐ-BNN ngày 2/10/2006 (Quyết định 89) nhằm hạn chế và từng bước loại bỏ các thuốc BVTV hóa học độc hại.

Theo quyết định này, các loại thuốc có nguồn gốc hóa học, với độ độc cấp tính của hoạt chất thuộc nhóm I, II (WHO); thuốc có hoạt chất thuộc nhóm chlor hữu cơ; thuốc có thời gian cách ly 7 ngày trở lên đã không được cho phép đăng ký chính thức sử dụng trên rau. Tuy nhiên, hạn chế của Quyết định 89 là các loại thuốc không được đăng ký mới theo quyết định này, nhưng đã có trong Danh mục vẫn được phép sử dụng trên rau ở Việt Nam.


Thuốc BVTV độc hại còn sử dụng trên rau ngày nào, người dân nơm nớp ngày ấy

Trước sự bất cập trong một thời gian rất dài của Quyết định 89, tới đầu năm 2013, Cục BVTV mới đề xuất Bộ NN-PTNT ban hành tiếp Thông tư số 03/2013/TT-BNNPTNT ngày 11/1/2013 (Thông tư 03). Theo đó, phải tới ngày 25/2/2015, tất cả các thuốc thuộc diện không được đăng ký sử dụng cho cây rau theo Quyết định 89 nhưng vẫn còn trong Danh mục mới bị loại bỏ hoàn toàn, không được phép sử dụng trên rau ở Việt Nam.

Như vậy tới thời điểm này, vẫn còn rất nhiều thuốc BVTV hóa học độc hại Nhóm II vẫn đang tiếp tục được phép sử dụng trên rau ở nước ta trong vòng một năm nữa, đó là chưa kể tới hàng trăm loại thuốc hóa học và sinh học độc hại khác thuộc Nhóm III, Nhóm IV vẫn sẽ được phép lưu hành từ sau ngày 25/2/2015.

Theo thống kê của Cục BVTV, đến thời điểm này có tổng cộng tới 143 hoạt chất thuốc BVTV sử dụng trên rau với 722 tên được sử dụng tại VN. Trong đó, số hoạt chất hóa học vẫn đang chiếm 154 hoạt chất, tương đương gần 49%.

Trong số này, có tới 31 hoạt chất hóa học có độ độc Nhóm II (độ độc cao) vẫn đang được phép sử dụng trên rau, và phải tới sau ngày 25/2/2015 mới bị loại bỏ. Ngoài ra, các thuốc khác có thời gian cách ly trên 7 ngày, hoặc chứa chlor hữu cơ cũng phải tới sau 25/2/2015 mới bị loại bỏ khỏi diện sử dụng cho rau tại VN.

6 đề xuất cứng rắn

Thông tư 03 có thể sẽ lại phải sửa đổi một lần nữa, bởi theo Thông tư này, sau ngày 25/2/2015, các thuốc BVTV hóa học Nhóm III, Nhóm IV vẫn được phép đăng ký mới và sử dụng. Trước nhiều ý kiến gần đây cho rằng cần nghiên cứu cấm hoàn toàn thuốc BVTV hóa học, tại văn bản báo cáo Bộ NN-PTNT, Cục BVTV cũng đã có quan điểm chính thức về vấn đề này, kèm theo nhiều biện pháp thắt chặt việc sử dụng thuốc BVTV trên rau.

 

+ Về giải pháp tăng cường kiểm soát sử dụng thuốc BVTV trên rau, Cục BVTV đề xuất: Trước mắt, cần tập trung tạo chuyển biến tại các vùng chuyên canh, SX rau với quy mô lớn cung cấp cho các thành phố lớn. 
Tại các vùng này, tùy quy mô SX, Sở NN-PTNT cần chỉ đạo Chi cục BVTV bố trí tối thiểu 1 cán bộ kỹ thuật/xã thường xuyên bám địa bàn để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc BVTV trên rau... Cục BVTV sẽ trình Bộ NN-PTNT ban hành quy định nhiệm vụ cụ thể và cơ chế phối hợp với chính quyền địa phương của đội ngũ cán bộ kỹ thuật này.

+ Cục BVTV cũng đề xuất, Bộ NN-PTNT nên xem xét trình Thủ tướng Chính phủ 1 quyết định về mạng lưới giám sát SX rau an toàn để đảm bảo ATTP, làm cơ sở cho việc bố trí nguồn lực và ngân sách tại các địa phương để thực hiện công việc này.
Theo Cục BVTV, thực tế cho thấy việc kiểm soát sử dụng thuốc BVTV trên rau không tốt chủ yếu do không có lực lượng cán bộ chuyên giám sát. Kinh nghiệm của TP Hà Nội thời gian qua cho thấy, đã tạo được chuyển biến tốt ở các vùng trồng rau tập trung do đã bố trí được lực lượng cán bộ này.

 

Cụ thể, Cục BVTV đã đề xuất Bộ NN-PTNT “quyết” 6 biện pháp mạnh tay gồm: Một là ngừng đăng ký mới để sử dụng trên rau đối với tất cả các thuốc BVTV hóa học. Theo đó chỉ cho phép đăng ký mới thuốc BVTV sinh học thật sự có hiệu quả cao và an toàn để sử dụng trên rau.

Hai là trong số các thuốc sinh học, ngừng đăng ký thuốc BVTV chứa hoạt chất Abamectin và Emamectin do số lượng tên thương phẩm có chứa các hoạt chất này trong Danh mục đã quá nhiều. 

Thứ ba là rà soát toàn bộ các thuốc hóa học đang có trong Danh mục được phép sử dụng trên rau ở Việt Nam để loại bỏ các thuốc có nguy cơ không an toàn.

Thứ tư, sẽ yêu cầu cao hơn về thời gian cách ly để bảo đảm độ an toàn cao hơn đối với các thuốc BVTV được phép sử dụng trên rau. Theo đó, chỉ cho phép sử dụng trên rau các thuốc BVTV đảm bảo thời gian cách ly tối đa là 5 ngày. Đồng thời loại bỏ các thuốc có thời gian cách ly trên 5 ngày ra khỏi Danh mục.

Thứ năm, trên nhãn các thuốc BVTV được phép sử dụng trên rau, bắt buộc phải ghi thời gian cách ly là 7 ngày để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Cuối cùng, Cục BVTV đề xuất Bộ NN-PTNT xem xét để loại bỏ một số thuốc BVTV hóa học có hoạt chất là hỗn hợp của 3 đơn chất trở lên, nhằm giảm tình trạng “loạn” Danh mục thuốc như hiện nay.

Cục BVTV cũng khẳng định, đang tiến hành một Dự thảo Thông tư mới để sửa đổi Thông tư 03 nhằm đáp ứng yêu cầu của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Trong Thông tư mới, dự kiến sẽ có một chương riêng quy định về quản lý thuốc BVTV trên rau với những quy định rất nghiêm ngặt.

Hiện chưa rõ, Bộ NN-PTNT có đồng ý với các đề xuất của Cục BVTV hay không. Tuy nhiên, kể cả khi những đề xuất này được Bộ NN-PTNT chấp thuận, thì ý tưởng về việc loại bỏ hoàn toàn thuốc BVTV hóa học sử dụng trên rau sẽ vẫn chưa thể thành hiện thực, bởi Cục BVTV chưa hề đề xuất loại hoàn toàn thuốc BVTV hóa học đang có trong Danh mục. Trong khi đó, phải một năm nữa, các thuốc BVTV độ độc Nhóm II mới bị cấm lưu hành.

 

PGS.TS Nguyễn Kim Vân – Trưởng Ban KHKT, Hội KHKT BVTV Việt Nam: Sao không phạt?

Lâu nay, chúng ta tiến hành rất nhiều chương trình giám sát, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, nào là sử dụng thuốc 4 đúng, nào là VietGAP, nào là SX rau an toàn, nhưng gần như không mấy hiệu quả.

Bởi nói cho cùng, lấy đâu ra lực lượng thanh kiểm tra để “canh chừng” từng nông dân sử dụng thuốc BVTV? Ở nhiều vùng trồng rau, nông dân vẫn thường dành riêng một khoảng đất nhỏ ở vườn để trồng rau riêng cho mình ăn, còn rau SX ngoài đồng họ mới mang lên bán cho người thành phố. Điều này cho thấy, không phải họ không biết việc sử dụng thuốc BVTV sai quy định như vậy là độc hại, mà chẳng qua họ cố tình vi phạm mà thôi! Vậy phải chăng chúng ta không quản lí được nông dân, thì ta cấm thuốc BVTV?

Theo tôi, tiến tới cấm sử dụng các thuốc BVTV độc hại là nên làm, nhưng trong khi chúng ta chờ đợi lộ trình thực hiện cắt giảm, trước mắt cần có ngay cơ chế để quản lí việc sử dụng thuốc BVTV, đặc biệt là tại đồng ruộng.

Ngay như việc nông dân cố tình sử dụng thuốc BVTV sai quy trình, tôi cho là ta hoàn toàn có thể có cơ chế giám sát quản lí được. Vấn đề này chỉ có thể giải quyết được khi chính quyền cơ sở vào cuộc. Chỉ có xã ấy, thôn ấy người ta mới biết nhà nào trồng rau phun thuốc hôm nay, ngày mai đã cắt đi chợ, chứ cấp TƯ, cấp tỉnh, huyện... làm sao biết được mà xử lí?

Hiện nay, cũng đã có quy định giao cho UBND xã chịu trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV an toàn với mức xử lí hành chính tới 300 nghìn đồng. Nhưng có địa phương nào đã xử phạt được nông dân chưa? Vấn đề là địa phương không làm mà thôi!

Điều này về quy định pháp luật, cần phải đưa “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV thành quy định pháp luật hẳn hoi, đồng thời phải tăng cường thẩm quyền hơn nữa cho việc xử phạt người sử dụng thuốc BVTV không đảm bảo quy định. Xử lí người vi phạm phải đánh vào kinh tế, nghĩa là phải xử phạt thật mạnh. Phạt nông dân rõ ràng là sẽ khó, nhưng cứ như giao thông vậy, xử phạt mạnh tay rồi người ta cũng phải thực hiện đúng luật.

LÊ BỀN
Theo nongnghiep.vn