"Cần cơ chế riêng để “bơm vốn” cho du lịch nông thôn"
- Thứ sáu - 18/05/2018 04:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sau buổi tổ chức Hội thảo “Phát triển Du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp, nông thôn”, ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã kết luận và đánh giá buổi hội thảo thành công tốt đẹp.
“Hội thảo đã có 11 ý kiến đóng góp tham luận, thay mặt chủ trì tôi đánh giá tất cả các ý kiến đó nhằm mục đích giúp du lịch ngày càng phát triển hơn”, ông Chung nhấn mạnh.
Ông Ngô Hoài Chung cho biết thêm, khu vực Miền Trung - Tây nguyên rất có tiềm năng, mũi nhọn để phát triển du lịch, đây là vùng đất có lợi thế về phát triển du lịch nhất nước, trong đó chú trọng là du lịch nông thôn, vì tài nguyên tự nhiên đa dạng, kết hợp với văn hóa phong phú.
Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch kết luận tại hội thảo.
Cái quan trọng trong việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới vẫn là giá trị cốt lõi của nông nghiệp bản địa, bản sắc, văn hóa truyền thống, sự tinh tế, dấu ấn đặc trưng vùng miền trong các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp cần phải có chiều sâu, chuyên nghiệp.
Đặc biệt, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp cần được đầu tư hoàn chỉnh nhằm đảm bảo chất lượng.
Tiếp đến là sự hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch nông nghiệp phải ngày càng được liên kết mạnh hơn. Vì lâu nay, nhiều điểm du lịch nông nghiệp gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
“Cái quan trọng nữa là vai trò phối hợp liên ngành của nông nghiệp, du lịch, công thương. Về chính sách phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn, thời gian tới cần có cơ chế chính sách riêng cho việc đầu tư nguồn lực phát triển du lịch nông nghiệp, đặt biệt là công tác tập huấn, bồi dưỡng cho bà con nông dân về kỹ năng, thái độ phục vụ khách phải đặt lên hàng đầu.
Cho nên, việc đào tạo được đội ngũ nhân viên phục vụ là người dân địa phương cần có một cách chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện sẽ tạo được sản phẩm hấp dẫn để phục vụ khách.
Cuối cùng là đầu tư cho truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp. Xây dựng thương hiệu cho du lịch nông nghiệp cần được đầu tư bài bản trên cơ sở đặc trưng vùng miền, theo mùa nông nghiệp, sản vật địa phương (mỗi làng một sản phẩm). Bên cạnh đó, cần xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp, tăng cường khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại hiệu quả để quảng bá du lịch nông nghiệp.
Đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với các địa danh để quảng bá cho du lịch nông nghiệp tại các diễn đàn, hội chợ, hoạt động xúc tiến khác nhau, từ đó du lịch nông nghiệp mới khẳng định được vị trí của mình”, ông Chung nêu rõ.
Theo Trương Hồng (danviet.vn)