Cần lưu ý khâu làm hợp đồng, thanh toán

"Người Trung Quốc rất giỏi "làm giá" trong buôn bán thương mại", chuyên gia kinh tế, thương mại Phạm Tất Thắng lưu ý các doanh nghiệp Việt khi xuất gạo sang Trung Quốc.
Trao đổi với phóng viên NTNN, chuyên gia kinh tế, thương mại Phạm Tất Thắng cho rằng:


Chuyên gia kinh tế, thương mại Phạm Tất Thắng.

- Gạo Việt xuất sang Trung Quốc sẽ bị tác động nhiều trong năm nay do sự cạnh tranh mạnh từ Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. Tháng 1.2014, dù đạt tới 65 nghìn tấn nhưng lượng gạo chúng ta xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sụt giảm nhiều nhất, giảm tới 60,7%...

Có thông tin mới đây Trung Quốc hủy hợp đồng mua 1,2 triệu tấn gạo của Thái Lan, theo ông, gạo của ta có cơ hội gì tới đây không?

- Có cơ hội nếu giá gạo của ta cạnh tranh hơn so với gạo Thái Lan. Người Trung Quốc rất giỏi "làm giá" trong buôn bán thương mại. Tôi cho có thể Trung Quốc hủy hợp đồng với Thái Lan là để ký lại một hợp đồng mới có giá thấp hơn mà thôi, hoặc không ký được giá thấp hơn thì họ sẽ tìm kiếm đơn hàng thay thế từ các nước khác trong đó có Việt Nam. Cả hai cách này thì đều có lợi cho phía Trung Quốc. Với cơ hội của ta là phải đưa ra giá gạo cạnh tranh nhất, bởi chúng ta gần Trung Quốc thuận lợi cho việc vận chuyển do đó Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để tăng lượng gạo bán cho Trung Quốc.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhìn nhận, Trung Quốc là thị trường tiềm năng nhưng đầy rủi ro cả xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch, ông đánh giá sao về điều này?

- Rủi ro là đương nhiên vì Trung Quốc là thị trường lớn mà nước nào cũng muốn nhắm tới và họ có quyền lựa chọn. Trong bối cảnh xuất khẩu gạo của ta khó khăn, nguồn cung lớn dễ xảy ra tình trạng ép giá và có thể bị hủy hợp đồng nếu bán gạo cho Trung Quốc không chặt chẽ. Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trên 2 triệu tấn gạo, chiếm 33,2% sản lượng gạo xuất. Vậy nhưng lượng hợp đồng xuất khẩu gạo bị hủy cũng rất lớn, lên đến 54%, trong đó phần lớn từ các bạn hàngTrung Quốc.

Vậy theo ông, có giải pháp nào để xuất khẩu gạo của ta sang Trung Quốc hiệu quả?

- Hiện nay, Trung Quốc đang nhập khẩu khá nhiều chủng loại gạo của Việt Nam, từ gạo 5% tấm, gạo thơm đến gạo chất lượng thấp, và doanh nghiệp Trung Quốc thích gạo đóng vào các container để họ vận chuyển sâu vào nội địa hơn là đóng bao rời 50kg.

Với vị trí địa lý thuận lợi, giao thương dễ dàng, song để xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam nên uyển chuyển hơn, đồng thời cần lưu ý khâu thanh toán, cụ thể khi làm hợp đồng, hai bên doanh nghiệp cần lập tín dụng thư không hủy ngang, thanh toán ngay khi nhận được bộ vận đơn, và tránh việc bị ép giá khi thu mua gạo. Tôi cho rằng, xuất khẩu tiểu ngạch có vai trò quan trọng nhất là khi thị trường gạo chính ngạch bị cạnh tranh gay gắt, nhưng đây là con dao hai lưỡi. Phía nhà nhập khẩu không cần quota và đóng thuế nên hiệu quả cao hơn nhập khẩu chính thức. Vì vậy, cần có cơ chế kiểm soát thích hợp để quản lý và thúc đẩy thương mại gạo cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch.

Bộ Công Thương đang xây dựng một cơ chế thí điểm về xuất khẩu gạo tiểu ngạch, tôi cho khi ra đời có lẽ nó sẽ giúp giảm bớt phần nào những rủi ro cho xuất gạo tiểu ngạch của ta hiện nay.

Xin cảm ơn ông!
Theo danviet.vn