Căng mình chống dịch tả lợn Châu Phi
- Thứ bảy - 22/06/2019 11:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tiêu hủy hơn 19.049kg lợn
Ngày 17/5/2019, ổ DTLCP xuất hiện đầu tiên tại hộ ông Đặng Văn Đoàn, thị trấn Cẩm Xuyên. Ngay sau đó, dịch bùng phát nhanh, lây lan sang 6 xã, thị trấn, gồm: thị trấn Thiên Cầm, xã Cẩm Duệ, Cẩm Lạc, Cẩm Hà, Cẩm Hòa và Cẩm Lộc. Tính đến ngày 15/6 huyện Cẩm Xuyên đã tổ chức tiêu hủy 470 con lợn, với trọng lượng hơn 19.049kg bị nhiễm DTLCP hoặc nghi nhiễm DTLCP.
Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên thông tin, gần 1 tháng qua, các tổ giám sát của huyện (2 người/tổ/xã) tập trung bám cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc và giám sát các địa phương thực hiện công tác phòng chống DTLCP.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên gần 1 tuần nay Cẩm Xuyên không phát sinh ổ dịch mới |
34 chốt kiểm dịch đã được lập tại 18 xã có dịch và xã có mật độ chăn nuôi cao để kiểm soát tình hình dịch bệnh, phun hoá chất tiêu độc khử trùng tất cả các phương tiện ra vào đối với chốt khống chế ổ dịch; phun các phương tiện vận chuyển lợn và vật tư phục vụ chăn nuôi đối với các chốt còn lại; ngoài ra khuyến khích các xã chưa có dịch lập chốt để kiểm soát tình hình.
UBND huyện cũng đã hỗ trợ 25 máy phun áp lực cao đảm bảo việc phun tiêu độc khử trùng tại các chốt. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tổng đàn lợn, khuyến cáo không tăng đàn, tái đàn trong giai đoạn có dịch.
Về nguồn lực chống dịch, mặc dù Cẩm Xuyên đang gặp những khó khăn nhất định về tài chính nhưng để đảm bảo dịch không vượt quá tầm kiểm soát, UBND huyện quyết định hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ (5-50 con) tại các xã có dịch 50% chi phí lấy mẫu xét nghiệm để thực hiện việc tiêu thụ. Ngoài ra, cấp phát gần 2.000 lít hóa chất tiêu độc khử trùng cho các địa phương…
“Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên dịch đang có biểu hiện chững lại, gần một tuần nay không phát sinh thêm ổ dịch mới”, ông Hà nhấn mạnh.
“Mạnh tay” xử lý cán bộ lơ là chống dịch
Những ngày đầu DTLCP phát sinh cho đến nay, huyện Cẩm Xuyên luôn xác định “chống dịch như chống giặc” nên bất kỳ tập thể, cá nhân nào lơ là, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao cũng đều bị huyện “trảm” mạnh tay.
Minh chứng là trường hợp cán bộ thú y xã Cẩm Nam. Ngày 14/5, nhận được tin báo đàn lợn của hộ ông Võ Văn Huy, thôn Tiến Hưng ốm, chết với số lượng lớn, UBND huyện Cẩm Xuyên đã tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn xử lý theo quy định về phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra tại hộ ông Huy, huyện Cẩm Xuyên phát hiện bà Nguyễn Thị Hạnh, cán bộ thú y xã có sự chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Theo đó, ngày 8/5 bà Hạnh nhận được tin báo lợn của hộ ông Huy ốm nhưng đã không kịp thời kiểm tra, báo cáo đến cơ quan Thú y huyện, lãnh đạo UBND xã để có hướng xử lý phù hợp, kịp thời mà chỉ hướng dẫn hộ xử lý qua điện thoại và không trực tiếp kiểm tra các triệu chứng trên đàn lợn.
Quyết định thành lập hội đồng thi hành kỷ luật tập thể, cá nhân xã Cẩm Nam lơ là trong phòng chống DTLCP |
Đến ngày 15/5 dịch bùng phát, gây chết số lượng lớn bà Hạnh vẫn không báo cáo về lãnh đạo xã, cơ quan Thú huyện. Việc tiếp nhận thông tin ở cấp huyện chỉ được biết khi chủ hộ báo trực tiếp lên cơ quan Thú y huyện.
“Để kịp thời răn đe các trường hợp lơ là, chủ quan, thiếu ý thức chấp hành trong công tác phòng chống dịch, UBND huyện đã yêu cầu UBND xã Cẩm Nam tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật và đình chỉ công tác, chấm dứt hợp đồng với bà Nguyễn Thị Hạnh. Đồng thời, giao Phòng Nông nghiệp huyện và xã Cẩm Nam đề nghị Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh thu hồi giấy phép hành nghề và tạm dừng hoạt động hành nghề của bà Hạnh”, ông Phạm Đăng Nhật, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên nói.
Không chỉ kiểm điểm cá nhân, ngày 13/6, Chủ tịch UBND huyện này cũng đã thành lập Hội đồng kỷ luật cán bộ, công chức xã Cẩm Thăng do thực hiện việc tiêu hủy lợn bị dịch tả Châu Phi thiếu giám sát.