Cảnh báo về thị lợn siêu nạc nhiễm độc

Kết quả giám sát tại các lò mổ trên địa bàn TP HCM cho thấy, có tới 43% số mẫu nước tiểu và 24% số mẫu thịt nhiễm chất cấm thuộc nhóm Beta Agonists (chất làm giảm mỡ, tăng nạc). Đây là chất có thể làm tim đập nhanh, run cơ, đau đầu, buồn nôn... cho người sử dụng và đã bị cấm sử dụng hơn 10 năm nay.
 

 

 

 

Thông tin trên được đưa ra trong cuộc họp của Bộ Nông nghiệp hôm qua tại Hà Nội về triển khai các biện pháp kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Cục phó Cục chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương thừa nhận, việc sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta Agonists trong chăn nuôi đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng.
 
Ông cho biết: Tỷ lệ mẫu thịt nhiễm chất cấm cao hơn, nhiều người chăn nuôi sử dụng chất cấm hơn, đối tượng vi phạm nhiều hơn. Trước kia, chỉ các chủ chăn nuôi tận dụng, gom cơm thừa canh cặn từ các bếp ăn tập thể mới dùng chất cấm để 'tuốt' cho con heo nhiều nạc hơn, thịt trông bắt mắt hơn. Hiện nay, ngoài các chủ nuôi này còn có các đối tượng khác sử dụng chất cấm.
 
Beta agonists là nhóm hoóc môn tăng trưởng (như Clenbuterol, Salbutamol) có tác dụng làm giảm lượng mỡ, tăng lượng nạc ở gia súc, gia cầm. Lợn dùng chất này lớn nhanh hơn, mông vai nở hơn, nạc nhiều, màu sắc đỏ đẹp và bán được giá hơn. Do đó, trước đây nó được dùng trong chăn nuôi để kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều vụ ngộ độc và tai biến do ăn thịt chứa beta agonists được phát hiện. Vì thế, chất này đã bị cấm sử dụng để chăn nuôi trên thế giới và ở Việt Nam. 
 
Trên thế giới, Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) đã loại bỏ chất này trong danh sách các chất được sử dụng trong chăn nuôi, bởi tính nguy hại nghiêm trọng của nó đối với sức khỏe con người. Tại Việt Nam, sau 10 năm triển khai, tình hình lại ngày càng tệ hại. Các cơ quan chức năng cũng chưa tìm được giải pháp để thực thi hiệu quả. Bởi đặc điểm chăn nuôi nước ta là nhỏ lẻ, người bán cũng như người sử dụng đều lén lút, quản lý và phát hiện là rất khó. Trong khi đó, các ngành, các địa phương vẫn chưa nhận thức được tầm nguy hại của sự việc để truy quét đến cùng những hành vi này.
 
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát để khắc phục tình trạng này ngoài việc kiểm soát lò mổ thì phải có truy xuất về chuồng nuôi, xử lý người sản xuất, tìm ra người buôn bán, đồng thời kiểm soát thức ăn chăn nuôi.
 
"Đây là tội ác chứ không chỉ đơn thuần là hành vi vi phạm pháp luật", ông Phát nhấn mạnh. Vì thế theo ông, cần xử lý vấn đề này kiên quyết như công an truy quét ma túy.
 
Ông Nguyễn Xuân Dương cũng cho biết đã có đầy đủ cơ sở pháp chế để xử lý các hành vi bất nhân và phạm pháp này, nhưng "cơ quan thi hành có cương quyết hay không mà thôi". Theo bộ luật Hình sự, các đối tượng mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị xử tù từ 3 - 5 năm. Người sử dụng chất cấm còn bị xử lý hành chính theo mức từ 10 - 40 triệu đồng tùy từng mức độ nghiêm trọng của hành vi.
 
Nghị định 08 của Chính phủ quy định, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm chứa chất cấm nguy hiểm sẽ bị xử phạt, thông báo trên báo đài, rút giấy phép kinh doanh 6 tháng, thu hồi và tiêu hủy chất cấm và vật nuôi tang vật. Cơ sở giết mổ phải chịu trách nhiệm chi trả các chi phí này.
 
Vì lợi nhuận, việc sử dụng các chất cấm này trong chăn nuôi ngày càng nhiều. Tỷ lệ phát hiện chất cấm trong thức ăn, trong thịt heo nhiều hơn trong thời gian gần đây. Các tỉnh bị phát hiện chủ yếu là phía Nam, mà trọng tâm là ở các trung tâm chăn nuôi như Đồng Nai, Bình Đương, TP.HCM
 
PV (tổng hợp)