Cảnh giác gia cầm lậu từ Campuchia

Trong khi Bộ NN-PTNT căng sức ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan, đặc biệt là từ phía Campuchia - nơi có tới 8 người vừa chết vì H5N1, thì tại TP.HCM dường như đang quá lơ là công tác phòng chống dịch.

Bằng chứng là khu vực kinh doanh gia cầm trái phép tại khu vực đường Hương Lộ 3 - thuộc 2 phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân và phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú (Báo NNVN đã từng phản ánh trong bài “Thả nổi chợ thịt lậu lớn nhất Sài Gòn” ngày 5/12/2012) đã hoạt động trở lại, bát nháo hơn cả lúc trước. Sau khi bị báo điểm mặt chỉ tên, trực tiếp ông Phan Thanh Phong - Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa đã tức tốc triển khai kế hoạch “Ra quân đợt cao điểm kiểm tra xử lý mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm tại khu vực Hương Lộ 3”. Phường cũng đã lập 2 chốt canh ngay điểm “nóng”, đồng thời cắt cử 10 người chia 2 ca trực từ 7h sáng đến 18h giờ hàng ngày.


Chợ gia cầm lậu lớn nhất TP.HCM hoạt động công khai trở lại, sáng ngày 12/3/2013

Vậy nhưng, sáng hôm qua 12/3 khi quay lại đây, PV “té ngửa” thấy cảnh tượng mua bán gia cầm lậu còn công khai và nhộn nhịp hơn trước. Đặc biệt, do rơi đúng vào ngày mùng 1 tháng 2 âm lịch nên lượng khách tấp xe vào hỏi mua gà về cúng đông khác thường. Giá gà cũng được rao bán cao ngất ngưởng lên tới 110.000 đồng/kg, vịt xiêm 80.000 đồng/kg, vịt cỏ 60.000 đồng/kg. Trong vai khách mua hàng, PV còn được các chủ kinh doanh gia cầm lậu tiết lộ một thông tin đáng sợ: “Trước đây là hàng miền Tây nhiều, nhưng gần đây nguồn hàng chủ yếu lấy từ Tây Ninh về bởi gia cầm bên Campuchia giá mềm hơn!”. Từ thông tin này, không loại trừ khả năng nguồn gia cầm lậu từ vùng dịch lớn Campuchia đang tìm cách lọt qua biên giới Tây Ninh vào nước ta, trong đó TP.HCM là nơi tiêu thụ nhiều nhất.

Đáng ngại là công tác phòng chống dịch của chính quyền địa phương đang rất lỏng lẻo, lơ là. Dường như họ ngại đụng chạm đến quyền lợi của hàng trăm đầu nậu gia cầm (trong số đó có nhiều người là dân thường trú tại 2 phường Bình Hưng Hòa và Sơn Kỳ) nên việc kiểm tra, bắt giữ luôn theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”! Thời điểm PV có mặt, chốt canh phòng chống dịch dựng trong khu vực “nóng” này hoàn toàn cửa đóng, then cài. Oái ăm hơn, các đầu nậu gia cầm còn tận dụng “mặt tiền” của chốt canh để bày bàn ghế, lồng gà vịt, công khai mời chào khách đi đường.

Thực tế bát nháo kinh doanh gia cầm lậu tại TP.HCM đang đi ngược với chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát. Tại Công điện khẩn số 07/CĐ-BNN-TY, Bộ trưởng khẳng định: Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ đầu năm 2013 tại Campuchia đã xuất hiện 9 ca bệnh cúm A/H5N1 trên người, trong đó đã có 8 trường hợp tử vong; đồng thời ngày 20/2/2013 tổ chức WHO đã thông báo virus cúm gia cầm đang gây bệnh cho gia cầm và người tại Campuchia là H5N1 nhánh 1.1. Kết quả điều tra dịch tễ học cho thấy, tất cả các bệnh nhân đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. Đồng thời, các ổ dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại một số tỉnh của Campuchia, trong đó có tỉnh Takeo, Kampong-cham giáp với Việt Nam. Do vậy, nguy cơ dịch cúm gia cầm lây lan cho đàn gia cầm và lây sang người ở Việt Nam là rất cao.

Để nhanh chóng dập tắt các ổ dịch cúm gia cầm hiện nay, chủ động ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan chủng virus cúm từ Campuchia vào Việt Nam, không để lây bệnh cho người, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh biên giới giáp với Campuchia, các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm khẩn trương chỉ đạo nghiêm cấm tất cả các hình thức vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới với Campuchia, bao gồm cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu nghiêm cấm việc di chuyển đàn gia cầm có nguồn gốc từ Campuchia sang lãnh thổ Việt Nam để nuôi, chăn thả trên các cánh đồng và ngược lại. Đồng thời khẩn trương tổ chức tiêm phòng vacxin cho toàn bộ đàn gia cầm thuộc diện tiêm phòng trên địa bàn các huyện biên giới giáp với Campuchia và các địa bàn có nguy cơ cao tại địa phương; chủng loại vacxin sử dụng tiêm phòng theo hướng dẫn của Cục Thú y. Ngoài ra, các địa phương phải tổ chức chỉ đạo giám sát chặt chẽ tại các thôn, bản, ấp; phát hiện sớm khi đàn gia cầm có biểu hiện khác thường và xử lý triệt để, hạn chế lây lan dịch bệnh gia cầm và lây bệnh cho người.

Theo nongnghiep.vn