Cấp bách triển khai các giải pháp phòng chống Dịch tả lợn châu Phi

Sáng nay (18/5), UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với 13 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác phòng chống Dịch tả lợn châu Phi. Dự hội nghị có đại diện cơ quan Cục Thú y vùng III, đại diện các sở, ngành liên quan. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt chủ trì.

Đến thời điểm này, Dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát trên 2.300 xã, hơn 200 huyện của 31 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy hơn 1,2 triệu con (chiếm trên 4% tổng đàn lợn của cả nước). Đáng chú ý, đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày, nhưng sau đó đã bùng phát trở lại. Riêng Nghệ An,đến nay đã có 27 xã của 10 huyện, thị bùng phát dịch tả lợn châu Phi.

Thời gian qua, Hà Tĩnh đã làm rất tốt công tác ngăn ngừa Dịch tả lợn châu Phi và giữ được thời gian dài, tuy nhiên đến ngày 14/5 đã phát hiện đàn lợn 55 con của hộ ông Đặng Văn Đoàn, ở khối phố 6, thị trấn Cẩm Xuyên có biểu hiện sốt cao, bỏ ăn, nôn ra máu… 16 con bị chết sau đó một ngày.

Cục Thú y vùng III đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với Dịch tả lợn châu Phi. Ngày 17/5, huyện Cẩm Xuyên đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn lợn và thức ăn còn lại của hộ ông Đặng Văn Đoàn, theo đúng tinh thần kịch bản của tỉnh đề ra.

Tại hội nghị, ngành chuyên môn nhận định: Công tác phòng chống Dịch tả lợn châu Phi sẽ còn gặp nhiều khó khăn do lưu lượng vận chuyển lợn vào ra địa bàn khá lớn, qua nhiều đường, nhiều thời điểm. Các biện pháp an toàn sinh học đã được tăng cường, duy trì thường xuyên tại các cơ sở, trại chăn nuôi lợn tập trung, nhưng đối với các gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lại chưa đồng bộ, nguy cơ phát sinh, lây lan dịch rất cao. Công tác giám sát, báo cáo dịch một số nơi còn chậm. Việc kiểm soát mua bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn còn gặp khó khăn. Việc giết mổ lợn tại nhiều địa phương còn thiếu kiểm soát…

Hội nghị cho rằng, phương án phòng chống Dịch tả lợn châu Phi phải là phương án lâu dài và quan trọng nhất là phải được chủ động tại các địa phương, tại các trang trại, hộ chăn nuôi. Tỉnh sớm ban hành cơ chế tiêu hủy lợn bị Dịch tả lợn châu Phi, hỗ trợ hóa chất phun tiêu độc khử trùng cho địa phương.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Đặng Ngọc Sơn đề nghị các địa phương quán triệt nghiêm túc các nội dung văn bản, kịch bản phòng chống Dịch tả lợn châu Phi đã được tỉnh ban hành. Tuyên truyền nhận thức một cách đầy đủ về tính cấp bách trong công tác phòng chống Dịch tả lợn châu Phi. Tăng cường kiểm soát công tác vận chuyển, buôn bán lợn ra vào trên địa bàn. Tập trung cao cho công tác kiểm soát vận chuyển,cơ sở giết mổ lợn nội huyện, nội tỉnh.

Trước mắt, tiếp tục triển khai sâu rộng về tình hình cấp bách phòng chống Dịch tả lợn châu Phi, nhất là các địa bàn: Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn. Rà soát lại tổng thể đàn lợn, nhằm kiểm soát được công tác phòng chống dịch tại từng địa bàn. Phân công, gắn trách nhiệm cán bộ với từng địa bàn.

Đối với người chăn nuôi, giảm đàn một cách triệt để nếu không đủ điều kiện phòng chống dịch, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh xảy ra./.

Theo Trường Biên/hatintv.vn