Cây keo lai: Dễ trồng, hiệu quả cao

Cây keo lai rất dễ trồng, nhưng hiệu quả mang lại rất cao. Một chu kỳ trồng keo lai chỉ mất 5 năm, nhưng trữ lượng đạt khoảng 300m3/ha. Gỗ của keo lai thẳng, màu vàng có vân, có giác lõi phân biệt, gỗ có tác dụng nhiều mặt.

Thích hợp với đất rừng Cà Mau

Theo Sở NNPTNT Cà Mau: Trước năm 2009, đất rừng ở U Minh Hạ chỉ trồng loại cây tràm truyền thống, năng suất thấp, trong khi chu kỳ thu hoạch quá dài (từ 15 - 20 năm, sản lượng thu được chỉ khoảng 80 - 100m3/ha). Thu nhập người dân trồng rừng thấp, cuộc sống bấp bênh. Từ năm 2009, Cà Mau đề xuất với Bộ NNPTNT cho phép đưa cây keo lai vào danh sách cây trồng chính của ngành lâm nghiệp ở khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, và được Bộ NNPTNT chấp nhận, từ đó đến nay địa phương này đã mạnh dạng đầu tư phát triển diện tích trồng keo lai.

Cây keo lai: Dễ trồng, hiệu quả cao - 1

Keo lai đang trở thành cây trồng chủ lực ở rừng U Minh Hạ.    Ảnh:        HOÀNG HẠNH

Ông Trần Trung Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên U Minh Hạ cho biết: “Keo lai là tên gọi của giống lai tự nhiên giữa keo lai tượng (Acacia mangium) và keo lá tràm (Acacia auriculiformis). Đây là giống cây ưu sáng, mọc nhanh, cành lá dài, tán lá rậm thường xanh, hệ rễ phát triển mạnh… rất thích hợp khi sinh trưởng trên vùng đất rừng ở Cà Mau”.

Dễ trồng, hiệu quả cao

Người trồng keo lai ở U Minh Hạ cho biết: Cây keo lai rất dễ trồng, nhưng hiệu quả mang lại rất cao. “Một chu kỳ trồng keo lai chỉ mất 5 năm, nhưng trữ lượng đạt khoảng 300m3/ha. Gỗ của keo lai thẳng, màu vàng có vân, có giác lõi phân biệt, gỗ có tác dụng nhiều mặt. Kích thước nhỏ làm nguyên liện sản xuất giấy, còn kích thước lớn sử dụng trong xây dựng… đang được thị trường ưa chuộng” - ông Nguyễn Văn Lâm - hộ dân trồng keo lai ở U Minh cho biết.

 Vùng U Minh Hạ có khoảng 32.000ha rừng sản xuất. Theo dự kiến từ đây đến năm 2020 sẽ phát triển 22.000ha rừng thâm canh, trong đó có hơn 60% diện tích trồng keo lai. 
Ông Trần Văn Thức – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau 

 

Để trồng keo lai trước tiên người trồng phải làm tốt khâu mặt bằng như: Phóng tuyến, chia liếp (16m phóng một tuyến đường, đào kênh 4,5m đổ lên mặt bằng 11,5m). Riêng về giải pháp đào đất kê liếp phải theo quy trình, với quy cách: Mặt kênh 4,5m, đáy kênh 4,0m, đào sâu 1,8m, mặt liếp 11,5m (tính cả lưu không), chiều cao liếp 0,73m…Ông Trần Văn Thức cho biết: Để cây keo lai đạt, người trồng phải lưu ý đến mật độ trồng trên liếp (2.500 cây/ha) tương ứng cây cách cây 2m, hàng cách hàng 2m. Trong đó khâu chuẩn bị cây giống cũng là yếu tố quan trọng: Cây keo lai giống phải được ươm trong vỏ bầu làm bằng chất dẻo Polyetylen có kích thước 7x12cm. Cây giống được chọn phải có thân thẳng có 1 ngọn chính (tuổi đời từ 3 -  4 tháng), khỏe mạnh và không bị sâu bệnh hoặc tổn thương cơ giới. Quy cách cây (chiều cao từ 25 - 30cm, đường kính cổ rễ là 0,3 - 0,5cm).

Theo các chuyên gia ngành lâm nghiệp: Cây keo lai giống trước khi xuất vườn 1 tuần phải được cắt bớt lá, đảo bầu xén rễ kết hợp loại bỏ cây yếu kém để đảm bảo tỷ lệ sống và chất lượng rừng trồng. Hố trồng rộng 20x20x20cm, khi đưa cây keo giống xuống hố trồng thì rạch vỏ bầu, đặt bầu cây giống keo lai vào đúng vị trí tâm hố ngay ngắn và cây con thẳng đứng. Sau đó dùng đất tơi nhỏ lấp cao hơn bầu hom 2 - 3cm và chèn vừa đủ chặt...

Các khâu còn lại là trồng dằm và chăm sóc cây cho đến ngày thu hoạch.

Theo danviet.vn