Chăm sóc hiệu quả cây ăn quả có múi sau thu hoạch

Chăm sóc hiệu quả cây ăn quả có múi sau thu hoạch
Hỏi: Xin cho biết cách tỉa cành và chăm sóc cây ăn quả có múi sau thu hoạch như thế nào cho hiệu quả?

 

Trả lời: Công việc tỉa cành được tiến hành hàng năm, sau khi thu hoạch cần phải loại bỏ những đoạn cành sau đây:

- Cành đã mang quả (thường rất ngắn khoảng 10 - 15cm).

- Cành bị sâu bệnh, cành ốm yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng mang quả.

- Cành đan chéo nhau, những cành vượt trong thời cây đang mang quả nhằm hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng với quả.

* Chú ý: Khử trùng dụng cụ bằng nước Javel hoặc cồn 90 độ khi cắt hoặc tỉa cành để tránh lây bệnh (tiềm ẩn virus, vivoid...) qua cây khác. Đối với những cành lớn hơn 3cm thì phải dùng cưa. Những vết thương lớn sau khi cắt tỉa cần dùng sơn hoặc các thuốc trừ bệnh quét kín vết cắt nhằm tránh vết thương bị thối tạo điều kiện thích hợp cho côn trùng và mầm bệnh tấn công.

Bón phân hữu cơ kết hợp với lân. Ngoài ra vôi (CaO) có tác dụng làm giảm độ chua, phóng thích các dinh dưỡng (nhất là lân) bị keo đất giữ chặt, cải thiện kết cấu của đất nên được sử dụng chung với phân hữu cơ và lân.

Để việc bón phân hữu cơ có hiệu quả, tùy theo điều kiện có thể bón theo rãnh hình vành khăn tán lá nhưng tốt nhất nên bón rộng ra cả vườn. Trước lúc bón cần cuốc lật đất lên, trộn chung cả 3 loại trên, rải đều rồi xới đất lại để vùi phân vào đất. Việc cuốc đất lên sẽ làm cho đất thoáng khí, thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy phân.

Nếu dùng phân chuồng (đã ủ hoai mục) nên bón từ 10 - 12 tấn/ha, nếu dùng phân hữu cơ công nghiệp (chất hữu cơ 20%) nên dùng khoảng 2 tấn/ha, lân supe dùng khoảng 1 tấn/ha, vôi 0,5 - 1 tấn/ha.

Sau khi bón phân hữu cơ khoảng 10 ngày đến 2 tuần, cần bón phân khoáng NPK để cây hấp thu phục vụ cho việc đâm tược mới. Công thức phân NPK lúc này cần hàm lượng đạm và lân cao.


Hỏi: Xin chuyên gia chỉ cách cho mai chiếu thủy ở Nam Bộ ra hoa vào dịp Tết Nguyên đán?

Trả lời: Ở Nam Bộ, mai chiếu thủy thường ra hoa quanh năm (nhiều vào mùa khô), nhưng lại không tập trung vào những thời điểm mà người chơi hoa mong muốn. Nếu muốn cho chúng nở vào dịp Tết Nguyên đán, bạn có thể làm như sau:

Cách Tết Nguyên đán khoảng 45 ngày (tức vào khoảng rằm tháng 11 âm lịch), bón cho cây mai một đợt phân DAP (18:46:0), tưới nước giữ ẩm, sau bón phân 5 - 7 ngày tiến hành ngắt đọt và lặt hết lá, tiếp tục tưới nước giữ ẩm, thỉnh thoảng hòa loãng phân kali và phân lân tưới bổ sung cho cây.

Do được tăng cường lân, đã kích thích cây phân hóa mầm hoa, nên sau khi ngắt đọt 15 - 20 ngày thì cây mai đồng loạt ra nụ. Cách Tết Nguyên đán khoảng 10 - 15 ngày thì hoa bắt đầu nở, theo thời gian số lượng hoa nở ngày một nhiều và đến dịp Tết thì hoa sẽ nở trắng xóa khắp tán cây. Do được tăng cường lân và kali nên cây mai khỏe, hoa nở đều, màu hoa sáng và lâu tàn. Nếu cây mai được trồng trong chậu, bạn có thể đưa chậu mai vào ban công, hiên nhà hay phòng khách để chưng chơi vài ngày, sau đó lại đưa chúng ra ngoài sân cho chúng “hứng nắng” vài ngày rồi lại đưa trở lại.

Theo Ks Đông Đức - Nguyễn Vĩnh Thượng/nongnghiep.vn