Chăn nuôi bền vững nhờ đệm lót sinh học

Hiện, cả nước đang có khoảng gần 9 triệu hộ chăn nuôi nông hộ theo phương thức nhỏ lẻ, dẫn tới việc xử lý và quản lý chất thải vật nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Việc đưa công nghệ đệm lót sinh học vào áp dụng xử lý chất xả thải trong chăn nuôi đang mang lại hiệu quả đột phá.
Nhờ áp dụng phương pháp đệm lót sinh học vào trong chăn nuôi, nhiều hộ dân ở tỉnh Hà Nam đã giải quyết triệt để phân thải.

Trên đây là vấn đề được các đại biểu đưa ra trong Diễn đàn Khuyến nông@Nông nghiệp chuyên đề “Xử lý chất thải trong chăn nuôi an toàn sinh học vùng đồng bằng sông Hồng” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp với Sở NNPTNT Hải Phòng tổ chức vừa qua.

Xả thải hơn 85 triệu tấn/năm

Theo bà Hà Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, hiện đàn lợn cả nước ước khoảng 26,5 triệu con, trâu bò đạt 7,7 triệu con và gia cầm trên 304,5 triệu con. Theo tính toán dựa trên cơ sở khoa học thì lượng chất thải rắn của chăn nuôi cũng tăng tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng quy mô, ước lượng với mức thải trung bình 1,5kg phân lợn/con/ngày; 15kg phân trâu, bò/con/ngày…

Bà Hạnh cho biết thêm, những năm qua, chất thải vật nuôi trong nông hộ được xử lý chủ yếu thông qua các biện pháp như: Ủ làm phân chuồng theo phương pháp truyền thống; xứ lý bằng công nghệ khí sinh học biogas, các chế phẩm sinh học, ao sinh học…

“Tuy nhiên, các phương pháp này chưa thể giải quyết được vấn đề về môi trường, bởi theo tính toán của các chuyên gia, hằng năm, tổng đàn gia súc, gia cầm ở Việt Nam thải vào môi trường hơn 85 triệu tấn chất thải rắn. Trong đó, khối lượng chất thải rắn (chỉ tính riêng lượng phân của vật nuôi) của một số vật nuôi chính thải ra trong năm 2010 là 85,3 triệu tấn, năm 2011 là 83,67 triệu tấn và 80,97 triệu tấn trong năm 2012 nhưng chỉ khoảng 40% số chất thải này được xử lý, còn lại thường được xả thẳng trực tiếp ra môi trường. “Đây là một trong những nguồn chất thải lớn có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường vùng nông thôn và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân” - bà Hạnh nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Hùng Cường (Viện Chăn nuôi) cho hay, trên thực tế, nếu ở một xã, số hộ chăn nuôi lợn chỉ chiếm 20 - 30% tổng số hộ thì hầm biogas là giải pháp hiệu quả cho việc xử lý chất thải chăn nuôi, nhưng nếu số hộ chăn nuôi lợn chiếm tới 50 - 60% thì hầm biogas có những hạn chế. Lượng nước thải từ hầm biogas của từng hộ dồn chung vào nguồn nước thải của xã, nguồn nước thải này thường không được xử lý, vẫn nhiễm khuẩn và lại là nguồn gây bệnh cho gia súc, gia cầm trong toàn xã và các vùng xung quanh.

Giải pháp đột phá từ đệm lót sinh học

Để giúp người chăn nuôi xử lý chất thải trong chăn nuôi hiệu quả, bà Hạnh cho hay, tháng 10.2013, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đã công nhận tiến bộ kỹ thuật cho chế phẩm sinh học Balasa N01 và quy trình ứng dụng chế phẩm này làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn và gà. “Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ứng dụng và triển khai nhân rộng mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học.

Tuy nhiên, sản phẩm này cũng cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung ứng và chuyển giao cho hộ nuôi và các địa phương có nhu cầu” bà Hạnh nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Bộ cũng giao cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu để tạo ra tập đoàn vi sinh vật hữu ích mới, đồng thời khuyến khích các nhà khoa học, các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu chuyên sâu tạo ra nhiều chủng loại men vi sinh và quy trình công nghệ mới phù hợp làm đệm lót sinh học chăn nuôi trong thời gian tới.

Theo TS Nguyễn Khắc Tuấn – Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, với cách xử lý chất xả thải trong chăn nuôi bằng khí sinh học (biogas) bên ngoài chuồng không chỉ gây tốn kém tiền đầu tư mà lại khó có thể xử lý triệt để được ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, với phương pháp mới, dùng đệm lót sinh học xử lý ngay tại chuồng nuôi đang có nhiều ưu điểm vượt trội là tiết kiệm chi phí đầu tư và xử lý được chất thải triệt để, không gây ô nhiễm môi trường.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam, hiện Hà Nam đang đứng đầu cả nước về số lượng mô hình, tổng diện tích đệm lót sinh học và chính sách đi kèm khuyến khích các cơ sở chăn nuôi lợn áp dụng quy trình chăn nuôi trên đệm lót sinh học. Tính đến nay tỉnh Hà Nam đã có hơn 3.000 hộ xây dựng mô hình với khoảng hơn 50.000 m2 đệm lót sinh học được xây dựng và hàng nghìn hộ nuôi gà theo phương thức trên.

Là một trong những hộ áp dụng đệm lót sinh học vào chăn nuôi ở Hà Nam, ông Ngô Văn Thêm ở xóm 7, xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân cho biết, trước đây khi nuôi lợn không có biện pháp xử lý chất thải tốt nên ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình. Nhưng từ ngày được tỉnh hướng dẫn đưa đệm lót sinh học vào nuôi lợn thấy rất sạch, lợn vì thế mà cũng lớn rất nhanh, hiệu quả kinh tế thấy rõ rệt đấy.

 
Theo kết quả khảo sát của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), tính đến tháng 11.2013, cả nước đã có 730 trang trại, và trên 57.790 hộ chăn nuôi thực hiện làm đệm lót sinh học với tổng diện tích hơn 5,4 triệu m2. Trong đó, chăn nuôi lợn có 28 trang trại, 3.628 hộ gia đình áp dụng và chăn nuôi gia cầm có hơn 700 trang trại và 57.790 hộ áp dụng.
Theo danviet.vn