Châu Âu vượt Mỹ, đứng số 1 thị trường thích ăn tôm Việt Nam

Các thị trường truyền thống của tôm Việt Nam xuất khẩu như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… đã có sự thay đổi “ngôi thứ” trong năm 2017. Năm 2017 cũng được xem là năm “được mùa” của xuất khẩu tôm khi giá trị kim ngạch đạt 3,8 tỷ USD.

Châu Âu vượt Mỹ, dẫn đầu nhập tôm Việt Nam

Lãnh đạo Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dù diễn biến thị trường nhiều bất lợi nhưng hết năm 2017, đã có 3,8 tỷ USD được mang về từ xuất khẩu tôm. Trong đó, châu Âu vươn lên thay thế Mỹ, dẫn đầu thị trường nhập khẩu của tôm Việt Nam.

Theo đó, xuất khẩu tôm vào EU trong 11 tháng năm 2017 đạt trên 780 triệu USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 22,2% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường.

 chau au vuot my, dung so 1 thi truong thich an tom viet nam hinh anh 1

  Sang năm 2018, nhiều chính sách liên quan đến xuất khẩu tôm có hiệu lực, tạo lợi thế cho tôm Việt Nam. Ảnh: T.H

Tại khối EU, có những thị trường tăng vượt bậc trong năm qua như Hà Lan tăng đến 70,5%, đạt 199,7 triệu USD. Tiếp đó, Anh và Đức lần lượt tăng 54,5% và 6%. Tuy nhiên, theo đánh giá của VASEP, Việt Nam có thể chen chân mạnh mẽ vào thị trường EU trong năm qua nhờ các đối thủ mạnh như Ấn Độ, Thái Lan gặp các vấn đề về kháng sinh, thuế… khi xuất khẩu tôm vào EU.

Ngoài ra, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU khá tích cực là do người tiêu dùng EU ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng tiện lợi và tăng nhập khẩu để phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm. Trong khi đó, nguồn tôm nước lạnh lại đang có giá cao và nguồn cung lại giảm.

Không chỉ EU, thị trường Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng có sự “đổi ngôi” thứ vị trong nhập khẩu tôm Việt Nam năm 2017. Mỹ là thị trường sụt giảm duy nhất trong nhóm các thị trường chính của tôm Việt khi 11 tháng đầu năm chỉ nhập khẩu khoảng 610 triệu USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm các thị trường truyền thống của tôm Việt, với mức tăng trưởng 60,2%, đạt 637,9 triệu USD. Vớ

i đà tăng trưởng này, VASEP đánh giá, Trung Quốc có khả năng vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường lớn thứ hai của tôm Việt Nam trong quý I.2018.

Nuôi tôm công nghệ cao lan nhanh

 chau au vuot my, dung so 1 thi truong thich an tom viet nam hinh anh 2

Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP cũng thông tin, từ ngày 1.12.2017, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có lợi thế hơn khi nước này quyết định giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 2% đối với sản phẩm tôm đông lạnh. Hơn nữa, với lợi thế về vị trí địa lý, thanh toán linh hoạt… doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của bạn hàng Trung Quốc.

Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường Trung Quốc vẫn ở mức cao, nhằm phục vụ mùa Tết Âm lịch sắp tới. Một số doanh nhân Trung Quốc còn đến tận ao nuôi các nước lân cận để tìm mua hàng với khối lượng lớn. Một số nhà phân tích cho rằng, lượng tôm thẻ chân trắng nuôi tại Trung Quốc đã giảm 2/3 do gặp các bất lợi về thời tiết. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng tôm nhập khẩu vào thị trường này tăng mạnh.

Cũng theo ông Hòe, không chỉ ở thị trường Trung Quốc, sự thay đổi ngôi thứ này cũng có thể kéo dài sang năm 2018, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực sẽ tạo nhiều thuận lợi cho xuất khẩu tôm vào thị trường này. Cụ thể, theo lộ trình cam kết, khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu tôm mã HS 03061100 (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm mũ ni vỏ…) sang EU sẽ về 0% thay vì mức 12,5% như hiện tại, thuế sản phẩm tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm thẻ thịt đông lạnh… cũng về 0% từ mức 20%.

Trong khi đó, sản xuất tôm trong nước năm qua cũng gặp nhiều thuận lợi nhờ giá tốt, được Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan ban ngành ưu tiên. Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, chỉ trong vòng một năm qua, các mô hình nuôi tôm công nghệ cao phát triển rất mạnh mẽ, hướng tới xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước.

"Chỉ với 500 - 600 triệu đồng, nông dân có thể đầu tư ao nuôi tôm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và lấy lại vốn sau 1 năm. Do đó, các mô hình này đang lan tỏa rất nhanh, dẫn tới lo ngại về việc khó kiểm soát ô nhiễm môi trường” - ông Trung cho biết.

Thách thức về truy xuất nguồn gốc

Theo ông Hồ Quốc Lực - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, vấn đề thách thức nhất hiện nay của ngành tôm vẫn là đa phần sản xuất có quy mô nuôi nhỏ lẻ, dẫn đến việc truy xuất nguồn gốc còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, năm 2018, toàn bộ các thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam đều “đặt nặng” vấn đề an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhất là Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu vào Mỹ (SIMP) có hiệu lực từ đầu năm 2018.

Để đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, các nhà máy thường phải tốn thêm chi phí kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào, khiến giá thành sản phẩm tăng lên, các doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh với các nguồn cung tôm khác.

Trong bối cảnh đó, việc kiểm soát chất lượng, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế vẫn là những vấn đề mà ngành tôm cần tập trung thực hiện để khắc phục điểm yếu, từ đó giúp doanh nghiệp có thể tăng tốc xuất khẩu trong năm 2018.    

Hứa Chung

Theo Thuận Hải (danviet.vn)