Gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư lớn vào chế biến trái cây để tận dụng lợi thế của Việt Nam, cũng như đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường trên quy mô toàn cầu. Đây được coi là giải pháp chấm dứt tình trạng trên.
“Giải cứu” nông sản hết thời
Đầu tháng 1/2019, tại huyện Gò Dầu (Tây Ninh), Công ty CP Lavifood khánh thành Nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood.
Lavifood đầu tư xấp xỉ 1.800 tỷ đồng cho nhà máy có dây chuyền nhập khẩu từ các quốc gia hàng đầu trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ… và được áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và vận hành. Theo đó, sản phẩm có thể sử dụng ngay mà không phải qua chế biến. Nhà máy Tanifood sẽ là nơi sản xuất ra các sản phẩm trái cây đông lạnh, nước ép, trái cây sấy khô, sấy dẻo, nước trái cây cô đặc đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu sang thị trường các nuớc Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia.
Phó tổng giám đốc Công ty CP Lavifood Đinh Hùng Dũng cho biết, trước đây nông dân trồng và tự tìm thương lái thì thương lái thường chỉ mua loại tốt, hàng loại 1. Loại 2 họ sẽ không mua hoặc mua rất rẻ. Với loại 3, loại 4, nhiều nông dân phải đổ bỏ ra đường như thanh long những năm gần đây. Trong khi đó, với công nghệ hiện đại, nhà máy sẽ sơ chế, đóng gói trái cây loại 1 để xuất khẩu trái tươi. Loại 2 đưa vào đông lạnh, loại 3 sấy, loại 4 ép nước. Trước đây, nông dân bán ra được 50% sản lượng thu hoạch thì nay có thể bán cho nhà máy trên 80%. Điều này sẽ không chỉ góp phần giảm thiểu, chấm dứt tình trạng đổ bỏ nông sản mà còn giúp nâng cao giá trị nông sản Việt và cải thiện thu nhập cho người nông dân. Như tại Tây Ninh là từ khoảng 6.000 đồng/m2 lên 84.000 đồng/m2.
Ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết, việc Nhà máy Tanifood chính thức khánh thành và đi vào hoạt động là niềm vui lớn cho ngành nông nghiệp tỉnh. Bởi, nhà máy được kỳ vọng mang lại những cú huých cho ngành chế biến rau, củ, quả, cho kinh tế Tây Ninh.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, việc Lavifood ứng dụng công nghệ hiện đại, cùng với cách làm theo mô hình liên kết 6 nhà, khép kín theo chuỗi giá trị, không chỉ giúp Tanifood phát triển, trở thành thương hiệu lớn, mà còn là đòn bẩy quan trọng, cùng ngành nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trong hội nhập của nông sản Việt Nam.
“Đất nước đang rất cần có thêm nhiều nhà máy mang thương hiệu Việt với công nghệ hiện đại, áp dụng 4.0 vào quản lý như nhà máy Tanifood để góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới”, Phó thủ tướng nói.
Ngày 22/2 vừa qua, Tập đoàn TH khánh thành nhà máy sản xuất nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên với tổng vốn 1.177 tỷ đồng, sử dụng dây chuyền Aseptic để sản xuất các loại nước hoa quả, sữa gạo, sữa trái cây, thức uống thảo dược… Với tổng công suất 76.000 chai/giờ, đây là nhà máy có công suất lớn nhất khu vực miền Trung.
Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ giúp phát triển bền vững nền nông nghiệp địa phương và kinh tế rừng, mở rộng các vùng trồng cây ăn trái nguyên liệu trong khu vực như cam, quýt, dứa… góp phần cải thiện sinh kế, tạo nguồn thu ổn định cho người dân và phát triển kinh tế địa phương.
Với xu hướng đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp công nghệ cao, Tập đoàn TH đặt mục tiêu vươn lên trở thành doanh nghiệp số 1 tại Việt Nam sản xuất nông sản, thực phẩm, đồ uống sạch, hữu cơ, xây dựng thương hiệu đồng bộ cho hệ thống các sản phẩm sạch, hoàn toàn từ thiên nhiên với tâm thế “Trân quý Mẹ thiên nhiên, người sẽ cho mình tất thảy”.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên do Tập đoàn TH đầu tư xây dựng và triển khai phù hợp với chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm, chiến lược quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường.
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn TH thực hiện vận hành thương mại hiệu quả, an toàn nhà máy vì sức khỏe cộng đồng, đồng thời thực hiện tốt chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất nông nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, góp phần nâng cao đời sống của công nhân và nhân dân địa phương.
Chế biến và xuất khẩu rau quả còn nhiều dư địa
Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu trong thời gian qua đã giúp ngành nông nghiệp nước ta có sự phát triển vượt bậc, đời sống người nông dân ngày càng được nâng cao. Năm 2018, ngành nông nghiệp đạt kết quả toàn diện, tăng trưởng 3,76% so với năm 2017 và cao nhất trong 7 năm qua. Xuất khẩu đạt trên 40 tỷ USD, thặng dư trên 8 tỷ USD.
Và trong xu thế nói trên, ngành chế biến nông sản đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn, đầu tư bài bản, quyết tâm tạo ra thương hiệu cho nông sản Việt để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cho thấy doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể đóng vai trò chính trong thúc đẩy ngành chế biến nông sản, nhất là rau quả trong nước phát triển.
TS. Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng, nước ta đã trở thành trung tâm chế biến các sản phẩm như hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thủy sản... thì cũng có thể trở thành trung tâm của ngành chế biến rau quả cho thị trường toàn cầu.
Chuyển hướng sang chế biến và xuất khẩu rau quả ở Việt Nam là đúng đắn vì đây là lĩnh vực còn nhiều dư địa để phát triển. Bởi vì lúa gạo, hạt tiêu, hạt điều, cao su, cà phê..., nước ta đã tới giới hạn của diện tích đất canh tác và năng suất cũng như khả năng mở rộng thị trường là khó. Trong khi đó, nhu cầu về các loại rau củ, kể cả tươi sống, đông lạnh cũng như chế biến ngày càng tăng trên quy mô toàn cầu.
Ông Phùng Văn Hiền, Giám đốc Công ty Toàn cầu trái cây tươi (Bến Tre), cho biết, nhu cầu rau quả trên quy mô toàn cầu đang ở mức cao nên không lo lắng về đầu ra. Quan trọng là chúng ta có sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu hay không? Mới đây, xoài vào được thị trường Mỹ, nghĩa là Việt Nam đã mở tiếp được cánh cửa các thị trường khó tính.
Năm 2018, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt trên 3,8 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm gần đây lên đến 15%/năm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần làm.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, rau - củ- quả mang lại giá trị kinh tế lớn, vì chiếm diện tích ít hơn một số loại cây trồng khác, trong khi kim ngạch xuất khẩu lại lớn hơn. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chỉ có 156 nhà máy chế biến rau quả các loại, riêng tại ĐBSCL chỉ có khoảng 5 - 6 cơ sở. Trong số 27 triệu tấn rau quả sản xuất ra, có trên 1 triệu tấn được đưa vào chế biến. Do đó, dư địa cho đầu tư vào các nhà máy chế biến các sản phẩm này là rất lớn.
Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Hồng Sơn cho hay, gần đây, nhiều nhà máy chế biến của các doanh nghiệp đã ra đời, tuy nhiên, doanh nghiệp chế biến rau, hoa quả chỉ chiếm 2,19% số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Công suất trung bình đạt 1,2 triệu tấn/27 triệu tấn sản lượng trung bình mỗi năm, như vậy, chỉ đạt xấp xỉ 4,4%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới, như Philipines tỷ lệ chế biến đạt 28%, Thái Lan 30%, Mỹ 65%,... Theo dự báo của thế giới, doanh thu của các sản phẩm rau quả chế biến được dự đoán sẽ tăng rất nhanh và sẽ đạt 317 tỷ USD vào năm 2021 với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 2,7% vào giai đoạn 2015-2021. Do đó, việc xu hướng gia tăng các sản phẩm rau quả từ chế biến là định hướng hết sức quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề này Việt Nam đang còn yếu. |