Chiềng Ngần đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại bền vững
- Thứ ba - 20/11/2018 04:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Xã Chiềng Ngần nằm cánh thành phố Sơn La 12 km, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái và Mông. Trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế chủ yếu sản xuất thuần nông, kết cấu hạ tầng giao thông đi lại còn khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Mô hình kinh tế trang trại đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân
Thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả của tỉnh Sơn La, cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Ngần đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại giống cây trồng năng suất, chất lượng cao phù hợp với tiềm năng, lợi thế địa phương vào sản xuất.
Ông Lò Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Một trong những điểm nhấn trong phát triển kinh của xã Chiềng Ngần hiện nay là làm kinh tế trang trại. Để các mô hình phát triển và mang lại hiệu quả, xã đã phối hợp cùng các ban, ngành của huyện xuống cơ sở vận động người dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Phát huy hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước về khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp…
Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, đa dạng các loại cây trồng, xây dựng mô hình kinh tế trang trại theo hướng đa cây trồng và vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Chỉ sau vài năm chuyển đổi, đến nay diện tích cây ăn quả của xã không ngừng tăng lên với diện tích gần 950 ha, tập trung chủ yếu vào các loại cây trồng, như: Xoài, nhãn, mận, cam, bưởi, chanh leo… kết hợp cắt ghép mắt với các loại cây chất lượng cao. Việc phát triển các mô hình kinh tế trang trại không chỉ góp phần nâng cao thu nhập mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động địa phương có thu nhập ổn định.
Nhờ phát triển kinh tế trang trại mà nhiều nhiều hộ gia đình có thu nhập khá vươn lên thoát nghèo và làm giàu
“Bởi lẽ người dân hiểu rằng, việc phát triển nông nghiệp thuần túy mang lại hiệu quả thấp, muốn nâng cao thu nhập cho gia đình thì phải phát triển kinh tế trang trại, tập trung là cách làm hợp lý nhất. Vì thế mà hàng nghìn ha cây ngô, sắn, lúa năng xuất thấp đã được thay thế bằng ăn quả. Ngoài ra, gần các khu vực có nguồn nước tưới tiêu người dân còn lập thành các khu sản xuất rau sạch với diện tích hàng chục ha”, ông Phúc cho hay.
Bên cạnh phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, người dân còn được hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hợp lý, hạn chế thấp nhất những tác động xấu làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Các bao bì thuốc bảo vệ thực vật được người dân thu gom, xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường, bảm đảm an toàn thực phẩm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Hiệu quả từ kinh tế trang trại
Qua tìm hiểu các mô hình kinh tế trang trại tại xã Chiềng Ngần, được biết: Để thực hiện hiệu quả các mô hình này, cán bộ xã là những tấm gương đi đầu làm trước. Điển hình như trang trại trồng cây ăn quả của anh Lù Văn Quý, Bí thư đoàn xã Chiềng Ngần, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, anh còn tích cực vận động bà con chuyển đổi giống cây trồng để nâng cao thu nhập tại địa phương.
Trao đổi với phóng viên, anh Quý cho biết: Cách đây 10 năm, khi có chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi hầu hết diện tích đất trồng ngô, sắn sang trồng cây ăn quả, kết hợp với ứng dụng khoa học kỹ thuật, cắt ghép, bón phân, dùng thuốc đúng quy cách, để nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì thế mà vụ thu hoạch năm nào gia đình tôi cũng thu hàng chục tấn quả, trừ chi phí cũng lãi vài trăm triệu đồng.
Nhiều vườn cây ăn quả tại xã Chiềng Ngần phát triển tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao
Để người dân có nguồn vốn đầu tư sản xuất, xã còn chỉ đạo các ban, hội, đoàn thể thành lập các tổ, nhóm, ủy thác với Ngân hàng NN&PTNN và Ngân hàng CSXH cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất. Từ đó, nhiều mô hình kinh tế trang trại được hình thành, phát triển nhân rộng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Đến thăm mô hình kinh tế trang trại của gia đình bà Lò Thị Hường, bản Pát, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi xung quanh vườn trồng đủ các loại cây trái. Bà Hường chia sẻ: Cũng như nhiều hộ gia đình khác trong bản, trước đây không có ai nghĩ rằng việc trồng cây ăn quả lại có thu nhập ổn định như bây giờ. Ngày trước trồng vài hecta ngô, sắn cũng chỉ đủ ăn, thì nay 1 ha cây ăn quả cho thu nhập gấp 3 – 4 lần, nhờ đó mà kinh tế giá đình khá lên nhiều.
Việc phát triển mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn xã Chiềng Ngần đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế, người dân đã có thu nhập ổn định. Qua đó, đã và đang đhẳng định kinh tế trang trại là hướng đi đúng trong phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững tại các bản của xã Chiềng Ngần.
Theo Quốc Định (danviet.vn)