Chống nạn giống giả bào mòn danh tiếng gạo Việt
- Thứ năm - 05/12/2019 18:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Nguyễn Thanh Minh – Chánh Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng (Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT): Nâng mức xử phạt để răn đe
Thưa ông, sau khi Cục Trồng Trọt phổ biến Luật Sở hữu trí tuệ và bảo hộ giống cây trồng tại vùng ĐBSCL, trong thời gian qua vì sao các DN, HTX kinh doanh giống vẫn kêu trời vì nạn mua bán giống giả đựng trong bao trắng...? Việc thực thi các biện pháp bảo hộ giống cây trồng vừa qua phải chăng còn bất cập và gặp hạn chế những gì?
Hiện nay, khung pháp lý về bảo hộ giống cây trồng (BHGCT) đã quy định đầy đủ việc bảo vệ Quyền của chủ sở hữu giống cây trồng. Song việc thực thi còn thiếu hiệu quả do mấy nguyên nhân: Một là nhận thức của các đối tượng liên quan còn hạn chế, cần đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan.
Hai là chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc, nhiều chỗ buông lỏng quản lý (Khoản 1 Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm quyền SHTT gồm có "... Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ" và điểm thứ ba là mức xử phạt còn chưa đủ sức răn đe.
Các DN, HTX sản xuất kinh doanh giống đang hy vọng, chờ đợi đầu năm 2020 Luật Trồng trọt mới có hiệu lực. Luật mới đáng chú ý những điểm nào trong việc bảo hộ quyền SHTT, bảo vệ tác quyền, bản quyền cây giống?
Hiện nay Bộ Khoa học Công nghệ chủ trì việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT; Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm phần BHGCT.
Theo dự thảo, đến nay có 2 vấn đề lớn được đưa vào Luật: 1. Giới hạn việc nông dân tự để giống và nhân giống cho vụ sau trên diện tích đất của mình và 2. Bổ sung đối tượng được bảo hộ gồm "sản phẩm chế biến từ vật liệu thu hoạch của giống được bảo hộ" (gồm gạo, trước đây chỉ có 2 đối tượng là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch của giống cây trồng được bảo hộ).
Luật sẽ xử nghiêm đối tượng vi phạm SX và kinh doanh giống giả như thế nào? Mức độ xử phạt ra sao trong khi hiện nay các địa phương còn lúng túng trong cách xử lý hàng gian, giả nhãn hiệu, theo ông mức xử phạt cần như thế nào?
Hiện có nhiều ý kiến về việc cần nâng mức xử phạt để đủ sức răn đe. Tôi nhất trí với ý kiến này xong ngoài ra cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho mọi đối tượng liên quan và cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các phương tiện thông tin đại chúng để công khai những vụ việc vi phạm trên thông tin đại chúng trước khi xử lý theo các quy định của Luật. Đây là cách làm rất hiệu quả của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Châu Âu....
Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua: Cần hủy bỏ chủ trương xã hội hóa công tác giống
Việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu gạo Việt Nam cần có nhiều biện pháp: Vừa là những cố gắng nội tại của DN, vừa tăng cường công tác quản lý Nhà nước và vừa đầu tư đúng mức. Các giải pháp cần được thực thi đồng bộ ở tất cả các địa phương cũng như khâu kiểm định đầu ra mới mong việc xây dựng thương hiệu gạo thơm Việt Nam phát triển bền vững.
Thái Lan là cường quốc xuất khẩu gạo thơm và họ đang cố gắng nâng cao tiêu chuẩn để giữ vững chất lượng gạo thơm nhất thế giới. Chúng ta cần tham khảo thêm về tiêu chuẩn mới nhất cùng với những quy định của gạo thơm Thái Lan.
Từ thực tiễn gạo thơm Sóc Trăng xuất hiện trên thị trường và dần chinh phục được thị trường trong nước và phản hồi của một số khách hàng nước ngoài, về phần nỗ lực nội tại của DN, chúng tôi xây dựng tầm nhìn gạo thơm ST phải chiếm lĩnh thị trường gạo cao cấp trong nước và phát triển thương thiệu ở nước ngoài.
Sứ mệnh chúng tôi đề ra là làm phong phú bộ giống lúa thơm đạt mức yêu thích bằng hoặc hơn giống ST24, ST25, với 10 công việc mà DN phải làm hoặc hỗ trợ định hướng cho các DN khác.
Đó là tiếp tục chọn tạo giống lúa thơm mới để bổ sung giống hiện có và làm giống dự phòng, tham gia dự thi gạo ngon trong nước, trên cơ sở đó tham gia dự thi gạo ngon quốc tế, cần tổ chức SX theo hướng an toàn, tổ chức SX theo quy trình hữu cơ được quốc tế chứng nhận (nếu mỗi DN xuất khẩu đều có gạo được chứng nhận hữu cơ thì niềm tin của khách hàng đối với DN sẽ tăng lên).
Đây là một xu hướng mới, thị trường tuy còn hẹp, hiệu quả kinh doanh thấp nên cần có kinh phí sự nghiệp để hỗ trợ DN đầu tư. Bên cạnh đó DN cần tham dự các cuộc hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để quảng bán sản phẩm; cần xây dựng vùng trồng lúa nguyên liệu để có gạo phẩm chất cao, xây dựng quy trình kỹ thuật phù hợp cho từng vùng trồng (tránh để nông dân tự mò mẫm gây tổn thất kinh tế).
Phải xây dựng được nhà máy chế biến gạo đạt chuẩn và giải pháp cuối cùng là xây dựng nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc để bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa của DN.
Đối với công tác quản lý và đầu tư sự nghiệp của Nhà nước, Luật Sở hữu trí tuệ phải được thực hiện nghiêm minh, cần hủy bỏ chủ trương xã hội hóa công tác giống, vì vi phạm bản quyền sở hữu giống và làm giảm chất lượng gạo.
Cụ thể các tỉnh phía Nam vẫn còn tình trạng giống nông hộ, giống HTX. Đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bản quyền, gồm một số trường hợp cụ thể sau: Giống không nhãn hiệu (nông dân gọi là bao trắng), giống nhái nhãn hiệu, giống bị đổi tên, sản xuất giống công khai mà không xin phép chủ sở hữu. Vì các trường hợp này đa phần đều lấy lúa lương thực để bán giống và dĩ nhiên không hợp quy chuẩn của Việt Nam.
Về thủ tục công nhận giống cần giản lược hóa, đặc biệt đối với giống lúa thơm cao cấp, lúa đạt giải thưởng cao, như thế mới kịp thời có giống tốt đưa vào sản xuất. Hiện nay mỗi giống lúa từ khi đưa vào khảo nghiệm quốc gia đến khi công nhận mất 4 năm.
Đối với giống lúa thơm cần thời gian lai tạo đến chọn thuần mất 6 năm. Đầu tư mất 10 năm mới bắt đầu có thể thu hồi vốn thì ít ai dám làm. Ngoài ra xây dựng vùng sản xuất cần điều tra nghiên cứu xác định vùng trồng phù hợp để có cơ sở cấp chứng nhận thương hiệu quốc gia.
Trong bảo hộ việc thực hiện hợp đồng liên kết giữa nông dân và DN, xây dựng hợp đồng mẫu phù hợp quy phạm pháp luật để có cơ sở xử lý vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp tranh mua lúa của nông dân đã ký hợp đồng với DN.
Kiểm soát độ thuần cấp chứng thư cho gạo thơm xuất khẩu, sớm loại bỏ việc kinh doanh những hóa chất không còn được sử dụng phổ biến, kiểm soát việc quảng cáo của DN kinh doanh thuốc BVTV và cần hỗ trợ việc phổ biến các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học.
Ông Huỳnh Ngọc Vân – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng: Khó xử lý vi phạm khi lúa giống đựng trong bao trắng!
Trong công tác quản lý giống, trách nhiệm chuyên ngành nông nghiệp ở địa phương quản lý, kiểm tra việc vi phạm bản quyền và mua bán giống giả các loại giống nằm trong danh mục được phép lưu hành, phổ biến sản xuất. Đơn cử như các giống lúa thơm ở Sóc Trăng được Bộ NN-PTNT công nhận trong danh mục cho phép phổ biến SX đã có ST5, ST24 (hiện ST25 chưa có trong danh mục).
Tuy nhiên qua những vụ kiểm tra phát hiện vi phạm vừa qua buôn bán giống giả tên nhưng thật khó xử lý, do người bán đựng lúa trong bao trắng (gọi là lúa lương thực). Trong khi theo Thông tư hướng dẫn của Bộ, giống nông hộ được lưu hành trong phạm vi huyện.
Các HTX, tổ hợp tác SX và bán giống trong phạm vi huyện, nếu bán ra ngoài địa bàn là vi phạm. Trách nhiệm xử lý vi phạm quản lý thị trường hàng giả do cơ quan quản lý thị trường. Nhưng thật ra trường hợp này cơ quan quản lý nông nghiệp địa phương rất khó xử lý, vì họ lén lút vận chuyển ra ngoài địa bàn và mua bán dưới hình thức trao đổi lúa lương thực. Và chỉ khi nào nông dân mua nhầm giống giả, sản xuất kém hiệu quả tố cáo đến cơ quan chức năng, lúc đó mới có biện pháp xử lý.
Theo tôi để chấn chỉnh công tác quản lý giống, tránh nạn mua bán giống giả, vi phạm bản quyền, tác quyền tại địa phương, trước tiên các DN sản xuất kinh doanh giống cần quảng bá, công bố hệ thống đại lý, cửa hàng bán giống tốt có nhãn hiệu chính thức của DN. Qua đó đẩy lùi nạn giống giả không còn len lỏi vào địa bàn.
Ông Bùi Quang Sơn – Tổng Giám đốc Cty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice): Biện pháp bảo hộ Giống cây trồng, ngăn chặn nạn giống giả
Hằng năm DN sản xuất kinh doanh giống phải tốn rất nhiều chi phí trong việc phục tráng giống, kiểm soát chất lượng giống nghiêm ngặt suốt quá trình sản xuất đảm bảo độ thuần từ giống lúa cấp siêu nguyên chủng, nguyên chủng đến cấp xác nhận bán đến tay nông dân để canh tác đạt hiệu quả cao nhất. Trong khi giới buôn bán giống giả họ không phải tốn nhiều chi phí để SX giống, thậm chí họ lấy lúa thịt làm giống.
Trong khi nạn giống giả ở các tỉnh phía Bắc cơ quan chức năng vào cuộc rất nghiêm minh, thì ở vùng ĐBSCL nạn giống giả còn tự tung tự tác. Ở một số nơi chính quyền và cơ quan chuyên trách địa phương kiểm tra, phát hiện đủ bằng chứng và bắt giữ nhiều vụ nhưng chưa mạnh tay xử lý. Mức xử phạt hành chính còn nhẹ và thấp hơn nhiều so với số lợi nhuận bất chính người buôn bán giống giả thu được.
Chúng tôi hy vọng khi Luật Trồng trọt mới có hiệu lực tính răn đe sẽ cao hơn, người sản xuất kinh doanh giống giả sẽ bị phạt rất nặng và công bố trên báo đài để nông dân biết, đồng thời người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước được phân công thực thi pháp luật phải chịu trách nhiệm để xảy ra trên địa bàn phụ trách.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An: Muốn có cánh đồng liên kết lớn phải có sự đầu tư
“Cánh đồng lớn liên kết” được Bộ NN-PTNT khởi xướng năm 2010, mô hình được Chính phủ ra Quyết định 62/2013 và năm 2018 Chính phủ ban hành Nghị định 98/2018. Đó là giải pháp tốt để ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững.
Thực tế suốt từ năm 2011 đến nay, nhiều địa phương mời gọi các DN đầu tư xây dựng cánh đồng lớn liên kết trồng lúa. Hầu hết các DN kinh doanh xuất khẩu gạo đều muốn có đủ nguồn nguyên liệu lúa được SX trong cánh đồng liên kết để có chất lượng cao và chủ động xuất khẩu. Nông dân các địa phương tích cực đồng hành. Theo hướng này, Chính phủ, Bộ NN-PTNT tiếp tục khuyến khích các DN, HTX và nông dân liên kết SX theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững.
Tuy nhiên cánh đồng lớn liên kết không phát triển nhân rộng ra được, thậm chí những vụ lúa gần đây diện tích cánh đồng lớn liên kết ở các địa phương ngày càng thu hẹp dần, vì sao? Theo tôi giải pháp để thực hiện được mô hình cánh đồng lớn liên kết là DN được vay đủ vốn để thực hiện dự án “cánh đồng lớn liên kết” mà UBND tỉnh, thành phê duyệt dự án theo Nghị định 98/2018 đã quy định.
Có 2 hạng mục vốn không thể thiếu được khi thực hiện dự án: Vốn dài hạn để lắp máy sấy lúa và silo chứa lúa và vốn ngắn hạn để thanh toán tiền lúa cho nông dân khi thu hoạch…