Chủ động điều tiết nước, theo dõi diễn biến sâu, bệnh trên đồng ruộng

Chủ động điều tiết nước, theo dõi diễn biến sâu, bệnh trên đồng ruộng
Đầu vụ xuân đến nay, điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, giữa tháng 12/2013 và đầu tháng 1/2014 chịu ảnh hưởng liên tiếp các đợt không khí lạnh tăng cường gây rét đậm, rét hại, nhiệt độ trung bình tháng 12 là 15 - 19oC, có ngày dưới 8oC đã ảnh hưởng đến sinh trưởng của các loại cây trồng...

 

Đặc biệt, đợt khô hanh kéo dài trên 20 ngày (từ 15/1 – 9/2/2014) làm một số vùng không chủ động thủy lợi gặp khó khăn về nước cấy, một số diện tích lạc đã gieo trỉa nảy mầm kém.

Giải bài toán giống nảy mầm kém
Điều tiết nước hợp lý tránh ngập úng cho những diện tích đã gieo cấy

Để đảm bảo sản xuất vụ xuân 2014 thắng lợi toàn diện về diện tích, năng suất và sản lượng và hiệu quả kinh tế, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh vừa khuyến nghị các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chăm sóc cho lúa đã gieo cấy, bón thúc đẻ nhánh đúng quy trình thâm canh từng loại giống; bón đủ, cân đối các loại phân đạm, lân, kali, kết hợp bón phân, duy trì chế độ nước hợp lí để lúa đẻ nhánh, làm cỏ và tỉa dặm kịp thời đảm bảo đủ cơ số dảnh ban đầu để có năng suất cao. Mực nước trên các chân ruộng cần được điều tiết hợp lý, bảo đảm thường xuyên từ 3-5 cm; tuyệt đối không để ruộng thiếu nước, khô hạn, ngập úng.

Các địa phương phối hợp với các công ty thủy lợi chủ động điều tiết nước đảm bảo đủ, kịp thời, tiết kiệm hợp lý; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, kịp thời cung cấp nước cho những vùng bị cạn nước, có nguy cơ khô hạn, điều tiết nước hợp lý tránh ngập úng cho những diện tích đã gieo cấy, chủ động nguồn nước đủ bơm phục vụ sản xuất.

Đối với vùng đất cao cưỡng, khó khăn về thủy lợi, cần tận dụng tối đa lượng mưa, giữ nước để cấy; đối với diện tích đất không thể cấy lúa cần có giải pháp chuyển đổi sang các cây trồng khác phù hợp, hiệu quả và có giá trị kinh tế.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo trỉa lạc xuân đảm bảo cơ bản kết thúc trước ngày 20/2/2014, những diện tích lạc đã gieo trỉa cần kiểm tra để dặm đảm bảo mật độ; đồng thời đảm bảo tiến độ gieo trồng các loại cây trồng màu, ngô, đậu, vừng, ớt đúng lịch thời vụ.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần theo dõi diễn biến của các đối tượng sâu, bệnh hại đối với các loại cây trồng, trong đó chú trọng các đối tượng: bệnh đạo ôn, ruồi đục nõn gây hại trên lúa; sâu xám, bệnh lỡ cổ rễ, bệnh héo rũ gốc mốc đen, gốc mốc trắng hại lạc; sâu vẽ bùa, nhện đỏ hại cây ăn quả có múi; rệp muội, bọ nhảy hại rau màu...

 
H.X
Nguồn baohatinh.vn