Chủ động phòng chống rét, kinh nghiệm Chiêm Hóa
- Chủ nhật - 13/01/2013 22:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chúng tôi về huyện Chiêm Hóa - Tuyên Quang, đi suốt chiều dài qua các xã từ Yên Nguyên đến Tân Thịnh, qua thị trấn Vĩnh Lộc vào đến Phúc Sơn, nơi nào cũng gặp ruộng mạ che phủ nilon trắng đồng, vào các hộ chăn nuôi trâu, bò thấy nhà nào cũng dùng bạt hoặc phên lá cọ che kín chuồng trại, cạnh chuồng nhốt là những cây rơm cao ngất ngưởng.
Chị Ma Thị Tơ, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện cho biết, những năm trước đây, nông dân Chiêm Hóa đã hứng chịu hậu quả của rét nên vào vụ cấy "ruộng phải chờ mạ" do mạ chết rét. Đàn đại gia súc, năm 2008 trên địa bàn có nhiều trâu bò chết do thiếu thức ăn; năm 2010 dịch bệnh lở mồm long móng và rét cũng làm nhiều hộ bị thiệt hại. Bài học trên không chỉ cảnh tỉnh cho hộ chăn nuôi, mà ngay cả đội ngũ cán bộ kỹ thuật cũng thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm khuyến nông và huyện kiểm tra phòng chống rét cho mạ xuân 2013 tại xã Yên Lập, huyện Chiêm Hóa
Để giảm thiểu thiệt hại về sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại, ngay khi thu hoạch lúa mùa 2012, huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng và UBND các xã vận động bà con phơi và cất trữ rơm làm thức ăn cho trâu, bò vụ đông. Cùng với đó triển khai kế hoạch gieo trồng cây vụ đông, trong đó có trồng ngô dầy làm thức ăn xanh cho đàn gia súc; tổ chức tiêm phòng bổ sung và hộ chăn nuôi thực hiện tốt phương châm "Một cây rơm, một chuồng trâu".
Theo tổng hợp của anh Nguyễn Văn Đoàn, cán bộ chuyên theo dõi tổng hợp chăn nuôi của huyện, kết thúc năm 2012, trên địa bàn 26 xã thị trấn của huyện có 27.393 con trâu và 691 con bò. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và huyện về chủ động các biện pháp phòng chống rét, hiện có 16.650 hộ chăn nuôi trâu, bò, thì có 16.642 chuồng nuôi nhốt đại gia súc và 16.212 cây rơm.
Thực hiện công tác tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng cho đại gia súc đạt 66% tổng đàn; tiêm phòng lở mồm long móng xấp xỉ đạt 80% tổng đàn. Đáp ứng nhu cầu thức ăn xanh cho trâu, bò, vụ đông 2012-2013, huyện đã tổ chức trồng được 962 ha ngô lấy hạt (tận dụng thân lá sau thu hoạch làm thức ăn xanh cho trâu bò) và 527 ha ngô trồng mật độ dầy để bổ sung thức ăn xanh cho gia súc.
Tại xã Trung Hà, cán bộ khuyến nông Triệu Văn Dũng kể là xã có thế mạnh về rừng phòng hộ, những năm trước, các hộ nuôi nhiều trâu thường nhận mỗi hộ 1 khu để thả trâu. Vài năm trở lại đây, công tác quản lý bảo vệ rừng nghiêm ngặt và tăng cường công tác tuyên truyền vận động hộ chăn nuôi từ chăn thả sang chăn nuôi và hiệu quả mang lại đã làm thay đổi nhận thức của bà con. Toàn xã có 1.583 hộ, thì có 1.230 hộ nuôi gần 1.500 con trâu, thực hiện công tác phòng chống rét cho trâu, bò vụ đông 2012-2013 của huyện, các hộ đều có chuồng trâu và kho chứa rơm làm thức ăn cho gia súc.
Về xã Tân Mỹ, chị Trần Thu Hà, cán bộ Trạm khuyến nông phụ trách xã bảo, nếu nhiệt độ rét sâu hơn năm 2008 mới đáng lo ngại, còn bằng nền nhiệt ấy bà con nơi đây không để xảy ra trâu, bò bị chết. Tân Mỹ có 1.841 con trâu, bò, thuộc 943 hộ chăn nuôi, thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho đàn đại gia súc, bà con đã làm tốt 3 việc (chuồng nuôi nhốt trâu, bò, dự trữ cây rơm trồng ngô dầy làm thức ăn và chú trọng công tác tiêm phòng). Hiện tỷ lệ tiêm phòng trâu bò về bệnh tụ huyết trùng đạt trên 70%, phòng bệnh lở mồm long móng đạt 90% trong tổng đàn.
Chị Hà đưa chúng tôi về các thôn Bản Tụm, Khuôn Thẳm, Nà Giàng, Ón Cáy, vào hộ chăn nuôi nào cũng thấy 1 đến 2 cây rơm bên cạnh chuồng trâu, bò. Các chuồng trâu bò đều có phên lá cọ, bạt che gió lùa.
Mặc dù rét đậm, rét hại kế tiếp nhau trong thời gian qua, nhưng huyện Chiêm Hóa chưa bị thiệt hại về cây trồng, vật nuôi. Chính là huyện đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho mạ và đàn gia súc, công tác chỉ đạo của Chiêm Hóa không dừng lại lại các phòng chức năng mà còn thực hiện quyết liệt ở từng xã, thôn, bản và hộ sản xuất. Nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, tập trung tuyên truyền làm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất của nhân dân, nên vài năm trở lại đây sản xuất nông nghiệp Chiêm Hóa luôn là điểm sáng của Tuyên Quang. |
Gia đình ông Quan Văn Hành, thôn Bản Tụm, nuôi 2 con trâu cho biết, năm 2008 nhiều hộ nuôi trâu bị chết do không dự trữ thức ăn, nên khi đói gặp rét bị chết. Nay được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, và trưởng thôn đôn đốc từng nhà, nên khi thu hoạch lúa mùa các hộ chăn nuôi đều thu gom rơm về phơi khô và đánh thành cây rơm cạnh chuồng nuôi để dễ chăm sóc khi giá rét mưa phùn. Mọi nhà có chuồng nuôi nhốt trâu, bò che kín gió, dự trữ đủ thức ăn, bổ sung nước muối và thức ăn xanh chắc chắn sẽ bảo toàn được vật nuôi.
Anh Ma Phúc Khứu, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Chiêm Hóa cho hay, không riêng gì vật nuôi mà cả cây trồng cũng phải chú trọng chống rét. Do đặc thù các chân ruộng ven sông suối thường ngập khi có nước Tiểu mãn, để những diện tích trên thu hoạch trước trận lũ đầu mùa, bà con đã bố trí gieo mạ trà chính vụ vừa xong 2 ngày thì các đợt rét kế tiếp nhau. Tránh tình trạng thiếu mạ, chờ mạ khi vào vụ cấy, đội ngũ khuyến nông đã về các xã phối hợp vận động và hướng dẫn bà con che nilon chống rét cho mạ. Nhờ đó toàn bộ diện tích mạ gieo đến thời điểm này không nơi nào xảy ra tình trạng chết mạ, phần lớn mạ đã gieo đều có từ 1 đến 2 lá.
Tuy nhiên do ảnh hưởng của rét đậm, thời tiết âm u, mạ thiếu ánh sáng có hiện tượng trắng lá và phát triển chậm. Để né thiên tai bố trí đủ mạ cấy hết 4.114,4 ha lúa xuân theo kế hoạch, cán bộ khuyến nông vận động bà con ngay sau đợt rét này, khi nhiệt độ trên 15 độ C đồng loạt gieo mạ trà lúa xuân muộn để kết thúc cấy vào ngày 20/2/2013. Những diện tích mạ đã gieo cần mở thoáng 2 đầu khi thời tiết ấm, tiến hành luyện mạ để lúa xuân xuống đồng thêm cứng cây đanh dảnh.
PV - DUY HÙNG
Theo nongnghiep.vn