Chủ động tiêm phòng vắc-xin và giám sát: Bình Định ngăn ngừa hiệu quả dịch bệnh

Chủ động tiêm phòng vắc-xin và giám sát: Bình Định ngăn ngừa hiệu quả dịch bệnh
Để phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC), Chi cục Thú y tỉnh Bình Định đã chủ động triển khai nhiều biện pháp như tiêm phòng vắc-xin, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, dự trữ thức ăn cho đàn GSGC…

Tiêm phòng vac-xin cúm gia cầm cho đàn vịt tại xã Hoài Hảo (Hoài Nhơn).

Hoàn thành công tác tiêm phòng

Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Định hiện có trên 246.000 con trâu- bò, 682.000 con heo và 6,2 triệu con gà, vịt. Nhờ chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống mà thời gian qua, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các ổ dịch nguy hiểm.

Ngay khi bước vào mùa mưa lũ, Bình Định đã nhanh chóng mua các loại vắc-xin như lở mồm long móng, dịch tả, cúm gia cầm… để hỗ trợ các địa phương tiêm phòng đợt 2/2012 cho đàn GSGC, xem đây là biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả.

Ông Lê Ngọc Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Hiện, đợt tiêm phòng lần 2 đã cơ bản hoàn thành với tỷ lệ đàn GSGC được tiêm khá cao so với chỉ tiêu đề ra, trong đó, tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng cho hơn 218.000 con trâu-bò, đạt 88% tổng đàn; tiêm vắc-xin dịch tả cho đàn heo nái, heo đực giống và đàn heo hậu bị trên 71.000 con; tiêm vắc-xin cúm gia cầm trên 826.000 con gà, vịt. Một số địa phương thực hiện tiêm phòng lở mồm long móng tốt như Tuy Phước đạt 90%, Phù Cát 90%, Hoài Ân 87%. Đáng mừng là tại các huyện miền núi, nhờ có nguồn hỗ trợ vắc-xin từ Chương trình 30a nên tỷ lệ đàn gia súc được tiêm phòng tăng khá cao so với các năm trước (Vân Canh 88%, Vĩnh Thạnh 87%, An Lão 87%). Qua đánh giá, đây là đợt tiêm phòng đạt tỷ lệ cao nhất trong nhiều năm gần đây.

Bên cạnh công tác chuẩn bị nguồn vắc-xin, trang thiết bị, vật tư, lực lượng thú y… Chi cục Thú y tỉnh còn triển khai khá tốt công tác tuyên truyền. Nhờ vậy, người chăn nuôi trên địa bàn đã có ý thức hơn đối với tiêm phòng dịch bệnh cho đàn GSGC. Ngay cả những nơi có tập quán nuôi trâu- bò thả rông trên rừng, khi có thông báo tiêm phòng, bà con cũng tự giác lùa về chuồng nên tỷ lệ gia súc được tiêm phòng đạt cao.

Chủ động phòng chống dịch bệnh

Theo cảnh báo của ngành thú y, trong thời gian tới, các loại dịch bệnh trên đàn GSGC có nguy cơ tái phát cao, nhất là đối với đàn trâu - bò thả rông trên đồi, núi và đàn vịt chạy đồng. Để bảo vệ tốt đàn GSGC, Chi cục Thú y tỉnh Bình Định đã có văn bản yêu cầu lực lượng thú y phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó tập trung vào việc sửa chữa chuồng trại, dự trữ thức ăn, tiêm phòng vắc-xin và tăng cường quản lý, giám sát đàn vịt chạy đồng.

Ông Pháp cho biết: Chi cục đã chỉ đạo cán bộ thú y tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là đối với các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả… Theo đó, ngành sẽ thường xuyên tổ chức phun thuốc tiêu độc, sát trùng chuồng trại; tiêm phòng vắc-xin bổ sung cho đàn GSGC mới phát sinh; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; cùng các lực lượng chức năng tổ chức tốt việc quản lý mua bán, vận chuyển, giết mổ GSGC trên địa bàn.

Mới đây, Chi cục Thú y tỉnh đã trích nguồn kinh phí phòng chống dịch bệnh gần 600 triệu đồng để mua 15.000 liều vắc-xin tai xanh, 1 tấn hóa chất sát trùng BKA nhằm hỗ trợ các địa phương chủ động phòng chống dịch bệnh.

Phú Mỹ

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn