Chuyên gia giúp nông dân Hà Tĩnh “bắt bệnh” cây ăn quả
- Thứ tư - 06/12/2017 08:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Cao Văn Chí – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có múi trao đổi với nông dân các bệnh hại trên cây có múi.
Trăn trở phát triển thương hiệu cam Thượng Lộc nói riêng và cây ăn quả có múi nói chung, UBND huyện Can Lộc phối hợp HTX Tân Phương Đông vừa tổ chức hội thảo “Hỏi đáp trực tiếp sâu bệnh hại trên cây có múi”, trong đó, mời những chuyên gia hàng đầu ngành trồng trọt cây có múi ở Việt Nam về giảng dạy. Không chỉ cung cấp nền kiến thức về sâu bệnh hại, các chuyên gia đã đến tận vườn để kiểm tra, phát hiện mầm bệnh và giúp bà con xử lý triệt để.
Ông Cao Văn Chí - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi cho biết: “Qua kiểm tra trực tiếp tại vườn cam, chanh, bưởi vùng trà sơn Can Lộc cho thấy vàng lá, thối rễ, chảy gôm, nấm đốm đen, nấm thối nõn… là những dịch bệnh phổ biến. Cây giống không rõ nguồn gốc, giống chất lượng kém; canh tác chưa đảm bảo kỹ thuật; lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ... là những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng này. Từ thăm dò, “bắt bệnh”, chúng tôi đã “cầm tay chỉ việc”, giúp bà con xử lý triệt để mầm bệnh. Trong đó, chú trọng cách phòng trừ sâu bệnh hại ở từng thời kỳ, lưu ý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi sâu bệnh hại xuất hiện, đảm bảo phòng trừ kịp thời, đúng thời điểm, đối tượng...”.
Xác định được bệnh hại là cơ sở giúp người trồng xử lý mầm bệnh, tăng hiệu quả kinh tế của các vườn cây có múi. Trong ảnh: Vườn cam của anh Nguyễn Xuân Hòa (xã Thượng Lộc - Can Lộc).
Chị Hiền - một hộ trồng cam ở xã Thượng Lộc vui mừng: “Chuyên gia đã chỉ rõ nguyên nhân và biện pháp khắc phục nhiều bệnh hại, trong đó có hiện tượng cây có múi bị héo sau những đợt mưa, điều này rất hữu ích đối với thời tiết ở Hà Tĩnh. Ngoài ra, chuyên gia còn tư vấn các biện pháp hỗ trợ cây có múi ra hoa đậu quả tốt, giải pháp ứng dụng khoa học trong giai đoạn cận và sau thu hoạch… Đây là cơ sở hỗ trợ nông dân xây dựng thành công vườn cây ăn quả có múi năng suất, chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường”.
Theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trên cây có múi, ngoài việc phát hiện và xử lý mầm bệnh, cần đặc biệt lưu ý đến nguồn giống. Theo đó, cần tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng cây giống; bổ sung, duy trì một số giống chất lượng cao vào cơ cấu giống cây có múi như: Giống cam chín sớm CS1, cam Xã Đoài, cam chín muộn V2, bưởi da xanh, bưởi Diễn trái chum...; lựa chọn các cây có múi đầu dòng, vườn cây có múi năng suất cao, chất lượng tốt để nhân giống. Ngoài ra, cần áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất từ cải tạo đất, làm cỏ, bón phân, tưới tiêu nước...
Ông Nguyễn Duy Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: “Toàn huyện hiện có 410 ha cam, gần 180 ha bưởi, trong đó, 50% diện tích cam, bưởi đã cho thu hoạch. Đặc biệt, sản phẩm cam Thượng Lộc đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền và chỉ dẫn địa lý. Với mục tiêu phát triển diện tích cây có múi lên 1.100 ha vào năm 2020, địa phương sẽ tăng cường tổ chức hội thảo, tập huấn để người dân nâng cao nhận thức về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật theo hướng VietGap...”.
Theo Thu Phương/baohatinh.vn