Chuyện nghe tưởng "tréo ngoe": Nhà vườn chặt nhãn rồi lại trồng nhãn
- Thứ hai - 10/07/2017 10:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ lâu cây nhãn có thể xem là cây chủ đạo gắn liền với tên gọi vùng đất Châu Thành. Tuy vậy, trong thời gian dài cây nhãn bị bệnh chổi rồng, hiệu quả kém, sản xuất bấp bênh.
Giờ đây, nông dân huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đã biết điều chỉnh lịch rải vụ nhãn theo thị trường.
Những năm gần đây, nhờ chuyển sang trồng nhãn idor, lợi nhuận kinh tế của người dân dần được nâng lên, sản phẩm được thị trường trong nước ưa chuộng và xuất khẩu với giá trị kinh tế cao...
Thăng trầm cây nhãn
Khi nhắc đến Châu Thành hầu như ai cũng liên tưởng đến những vườn nhãn da bò đến mùa thu hoạch tỏa hương thơm ngọt cả một vùng. Khoảng hơn 20 năm trước, nhãn da bò đứng “top” đầu cây ăn trái có hiệu quả kinh tế. Ông Nguyễn Văn Phạn (ngụ xã Phú Hựu) nhớ lại: Hồi trước, nhãn da bò giống quý lắm, giá rất cao. Người dân chỉ mua vài nhánh trồng trước cửa nhà để dễ giữ, sau đó chiết nhân giống trồng ra vườn. Thời điểm đó, một ký nhãn mua được gần 2 giạ lúa. Gia đình có nhãn da bò đến mùa tiền rủng rỉnh trong túi, sắm sửa tiện nghi trong nhà rất dạn tay”.
Theo các lão nông ở đây, nhãn da bò (còn gọi là nhãn tiêu quế) rất thích hợp với đất Châu thành, cây mau lớn có giá trị cao. Có thời điểm, cây nhãn da bò hầu như “phủ sóng” khắp Châu Thành.
Chú Võ Văn Sang (ngụ xã An Nhơn) cười sảng khoái, nhắc lại: “Cây nhãn da bò như là một kỷ niệm. Mới đầu gia đình mua được 10 cây, giá 10 ngàn đồng/cây đem về trồng, rồi nhân giống và bán giống cũng “hốt” được mớ tiền. Đến mùa nhãn chín, thương lái tranh nhau đến đặt cọc, giá rất cao, chỉ cần một vụ là gia đình sẽ đổi đời. Thời điểm đó, chợ Cái Tàu ghe xuồng buôn bán nhãn đậu kín khúc sông, vui lắm...”.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cây nhãn da bò bị dịch bệnh chổi rồng tàn phá, suy kiệt chết dần chết mòn, có nhà buộc phải đốn bỏ... làm củi, có nhà tiếc của ráng tìm phương cách điều trị nhưng bất thành. Có thời điểm nông dân cứ loay hoay tìm loại cây trồng thích hợp thay thế và lúc này, nhãn idor nổi lên như một giải pháp cho người dân Châu Thành.
Chặt nhãn... trồng nhãn
Sau những thăng trầm, lao đao, vườn cây ăn trái ở Châu Thành đang có dấu hiệu hồi sinh bởi các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như thanh long, sầu riêng, bưởi... đặc biệt là cây nhãn idor. Từ năm 1997, sau lô nhãn đầu tiên do ông Út Hiện mang từ nước ngoài về vùng đất An Hòa, giống nhãn này nhanh chóng phủ khắp các xã trên địa bàn huyện, nhờ đặc tính dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nhãn idor ít bệnh chổi rồng nên người dân rất ưa chuộng chọn làm cây thay thế nhãn da bò.
Nhãn Châu Thành hiện đã liên kết với doanh nghiệp cung ứng cho thị trường nước ngoài.
Ông Võ Văn Hùng (ngụ xã An Nhơn), người có hơn chục năm gắn bó với cây nhãn da bò nhưng cũng bỏ chuyển sang nhãn idor do dịch bệnh chổi rồng hoành hành. Ông Hùng nhắc lại: “Gắn bó với cây nhãn da bò hơn chục năm mà đốn bỏ cũng không đành nhưng thời điểm đó giá thấp, cộng thêm bệnh chổi rồng hoành hành, “bám” mãi theo nó thì mình cũng chết theo.
Năm 2010, ở đây rộ lên phong trào trồng nhãn idor, thấy vậy tôi cũng trồng thử. Cũng như nhãn da bò, nhãn idor sau 3 năm trồng bắt đầu cho trái, tuy nhiên so về giá thì cao hơn 2-3 lần nhãn da bò. Thấy hiệu quả nên dần dà tôi mở rộng toàn bộ diện tích sang trồng nhãn idor. Hiện nay, với 2,6ha, mỗi năm thu hoạch trên 20 tấn trái, giá bán dao động từ 35.000 - 45.000 đồng/kg (tùy vào thời điểm mùa thuận hay mùa nghịch). Sau khi trừ chi phí cũng lãi vài trăm triệu đồng”.
Theo ông Hùng, hiện nay hầu như người dân vùng cù lao đều chuyển sang trồng nhãn idor, chỉ còn một số ít diện tích nhãn da bò, nhưng nông dân cũng đang “nhấp nhổm” chuyển đổi sang nhãn idor. Trong năm 2016, nhãn Châu Thành (nhãn idor) được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu và liên kết được với các công ty, doanh nghiệp để cung ứng cho các thị trường trong nước.
Nhãn Châu Thành bước đầu được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Châu Âu... Đây là cơ hội mới để nâng cao thu nhập cho người dân trồng nhãn.
Theo các nhà vườn trồng nhãn idor, nhờ liên kết trồng nhãn xuất khẩu mà lợi nhuận thu được khá cao so với trồng nhãn thông thường. Ông Nguyễn Văn Sáu - thành viên Hợp tác xã nhãn Châu Thành cho biết, nếu nông dân áp dụng đúng theo kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp chỉ dẫn và theo yêu cầu của công ty, thì sản phẩm nhãn sẽ được “đi nước ngoài”. Một điều phấn khởi nữa là giá nhãn xuất khẩu ổn định ở mức 30.000 - 45.000 đồng/kg (tùy từng thời điểm), với giá cả như thế nhà vườn trồng nhãn có thể yên tâm canh tác.
Đây là tín hiệu đáng mừng cho người dân trồng nhãn Châu Thành và bà con nông dân đang điều chỉnh lại vườn nhãn của mình trồng rải vụ theo hướng sạch, an toàn đáp ứng theo nhu cầu thị trường.