Công điện khẩn về dịch lở mồm long móng
- Thứ bảy - 23/11/2019 09:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thời gian gần đây, dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) đã và đang xảy ra tại nhiều tỉnh: Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Long,… Nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng, diễn biến phức tạp, nhất là khi điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, nhu cầu vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc gia tăng vào các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Cách ly đàn bò để tránh lây lan dịch ở Quảng Bình. Ảnh: Tâm Phùng |
Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT đã có công điện khẩn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh LMLM tại các địa phương có dịch và chủ động phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương chưa có dịch.
Đặc biệt, cần khẩn trương quán triệt, chấn chỉnh và tổ chức thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM theo đúng quy định tại Luật Thú y, các văn bản của Bộ NN-PTN (bao gồm: Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; Chỉ thị số 8256/CT-BNN-TY ngày 01/11/2019 của Bộ trưởng về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân). Trong đó, cần bảo đảm tổ chức thực hiện tốt và kịp thời các giải pháp cụ thể sau:
1. Xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới tại các tỉnh đã và đang có dịch bệnh LMLM, không để lây lan dịch bệnh sang các tỉnh, thành phố khác. Hằng ngày, báo cáo đầy đủ, chi tiết và kịp thời về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống cho Cục Thú y và các Chi cục Thú y vùng theo đúng quy định hiện hành.
2. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc trong các chương trình xóa đói, giảm nghèo cần thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch xuất, nhập con giống theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo không để lây lan dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
3. Chỉ đạo, hướng dẫn người chăn nuôi, các cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch ngay từ khi mới xảy ra, không để lây lan diện rộng.
4. Khẩn trương tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch và các địa bàn có nguy cơ cao; bảo đảm đạt 100% số gia súc thuộc diện tiêm tại vùng dịch và ít nhất 80% số gia súc thuộc diện tiêm tại các vùng nguy cơ cao; rà soát và tổ chức triển khai tiêm phòng vắc xin LMLM và các bệnh khác cho đàn gia súc.
5. Tổ chức vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột tại các ổ dịch, các tuyến đường và phương tiện ra vào ổ dịch, các địa điểm nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Bộ NN-PNTT yêu cầu tổ chức vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột tại các ổ dịch, các tuyến đường và phương tiện ra vào ổ dịch. |
6. Chỉ đạo chấn chỉnh công tác chuyên môn, tổ chức phòng, chống và báo cáo dịch bệnh tại tuyến cơ sở (từ thôn/bản đến cấp xã, huyện), bảo đảm tổ chức thực hiện kịp thời và đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT.
7. Thành lập các đoàn công tác do Lãnh đạo Sở NN-PTNT, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp làm trưởng đoàn trực tiếp đi kiểm tra tại các ổ dịch LMLM và các vùng nguy cơ cao để chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch LMLM tại cơ sở.
8. Tăng cường thông tin, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của thôn/bản, xã, phường và các phương tiện truyền thông của địa phương; hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuyệt đối không bán chạy gia súc bệnh, không thả rông gia súc ở địa bàn đang xảy ra dịch bệnh, không vứt xác gia súc chết ra ngoài môi trường;
Bộ NN-PTNT giao Cục Thú y chỉ đạo các Chi cục Thú y vùng và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; Tổ chức xét nghiệm, phân tích chuyên sâu, xác định chính xác chủng vi rút LMLM gây bệnh và thông báo cho các địa phương, để làm căn cứ lựa chọn và sử dụng chủng loại vắc xin phù hợp.
Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung nêu trên và thường xuyên thông báo về Bộ NN-PTNT để phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.