Cúm gia cầm H5N1 là bệnh gì, phòng chống lây sang người thế nào?

Cúm gia cầm H5N1 là bệnh gì, phòng chống lây sang người thế nào?
Cúm gia cầm, hay cúm A/H5N1 là một căn bệnh về hô hấp ở các loài gia cầm và có khả năng lây nhiễm cho người. Loại virus này được phát hiện lần đầu vào năm 1996 tại Trung Quốc và có thể làm gia cầm chết hàng loạt. Đúng lúc dịch viêm phổi cấp do virus Corona đang lan nhanh tại Trung Quốc thì nước này lại bùng phát ổ dịch cúm A/H5N1.

Tiêu huỷ lập tức hơn 17.800 con gia cầm

Ngày 1/2/2020, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho hay, họ đã phát hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại một trang trại ở Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam, gần trung tâm bùng nổ dịch viêm phổi cấp do virus Corona mới (2019-nCoV) gây ra.

“Trang trại có 7.850 con gà và 4.500 con đã chết. Giới chức địa phương đã tiến hành tiêu hủy 17.828 gia cầm”, thông báo cho hay. 

Hiện chưa có thông tin về việc virus H5N1 Hồ Nam xuất hiện trên người.

 cum gia cam h5n1 la benh gi, phong chong lay sang nguoi the nao? hinh anh 1

Trung Quốc thông báo cúm gia cầm H5N1 bùng phát tại tỉnh Hồ Nam, gần trung tâm bùng nổ dịch viêm phổi cấp do virus corona mới gây ra - Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Tên gọi phân nhóm H5N1 là liên quan đến loại protein kháng nguyên trên vỏ virus: protein hemagglutinin nhóm 5 (H5) và neuraminidase nhóm 1 (N1).

Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết năm 1997, cúm gia cầm H5N1 từng được ghi nhận lây từ gia cầm sang người tại Hồng Kông vào năm 1997. Năm 2003, dịch này bùng phát ở Trung Quốc, sau đó lan sang Việt Nam và 14 quốc gia khác. Trong đó, Indonesia và Việt Nam là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề. 

Theo trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ, hầu hết các ca người nhiễm virus H5N1 đều do một thời gian dài tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh. Dù khó lây lan sang người song cúm gia cầm đặc biệt nguy hiểm đối với người tiếp xúc với nó. Tỉ lệ tử vong của cúm gia cầm lên tới hơn 50% trong suốt 15 năm qua, tức dịch bệnh này còn chết chóc hơn cả dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng, tỉ lệ tử vong là 10%) và virus corona mới (hơn 2%).

Từ năm 2003 đến 2019, WHO đã xác nhận tổng cộng 861 trường hợp nhiễm H5N1 ở người trên toàn thế giới, 455 trong số đó đã tử vong. Trong suốt 16 năm qua, Trung Quốc đã ghi nhận 53 trường hợp nhiễm cúm gia cầm và 31 trong số đó đã thiệt mạng.

 cum gia cam h5n1 la benh gi, phong chong lay sang nguoi the nao? hinh anh 2

Dịch cúm H5N1 quay lại Trung Quốc vào năm 2020. Ảnh: Getty.

Đường lây nhiễm của virus cúm H5N1

Các chủng của virus cúm gà có thể xâm nhiễm vào nhiều loại động vật khác nhau như chim, lợn, ngựa, hải cẩu, cá voi và con người. Bệnh cúm gà lây truyền qua không khí và phân bón, nhưng cũng có thể gây nhiễm trên thức ăn, nước, dụng cụ và quần áo. Tuy nhiên, hiện giờ chưa có bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy virus cúm gà có thể sống sót trong thức ăn đã được nấu chín.

Thời kỳ ủ bệnh từ 3 - 5 ngày. Triệu chứng mắc bệnh ở các động vật là khác nhau, nhưng một số biến thể virus có thể dẫn đến tử vong chỉ trong vòng vài ngày.

Chim bị nhiễm virus phóng thích H5N1 trong nước bọt, dịch mũi và phân. Những con khác có thể bị lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết trên hoặc khi gián tiếp qua các bề mặt bị ô nhiễm bởi các chất trên.

Các loài chim di trú là một trong những nguồn phát tán H5N1, nên virus này có nguy cơ lan rộng trên thế giới. Những đợt bùng phát cúm gia cầm thường xuất phát từ những khu vực đông đúc ở Đông Á và Đông Nam Á, nơi mà người, lợn, gia cầm sống rất gần gũi. Trong những điều kiện như vậy, virus có thể đột biến thành một dạng khả dĩ lây sang người.

Triệu chứng cúm A/H5N1 trên người

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), virus cúm A/H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người do tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hoặc bất kỳ bộ phận nào của gia cầm bị bệnh (bao gồm cả phân và lông). Sự lây nhiễm có thể xảy ra qua các đường sau: Qua tiếp xúc trực tiếp như giết mổ, vận chuyển, mua bán hoặc cầm, sờ vào gia cầm bị nhiễm bệnh; qua ăn uống thịt và các sản phẩm gia cầm bị nhiễm bệnh, nhất là khi thịt và các sản phẩm của gia cầm không được nấu chín kỹ như trứng, tiết canh...

Người bị cúm A/H5N1 thường có những dấu hiệu sau: Sốt cao đột ngột (trên 38 độ C). Đau đầu, đau nhức cơ, ho khan, đau họng, mệt mỏi rã rời; tiêu chảy. Bệnh thường diễn biến rất nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

 cum gia cam h5n1 la benh gi, phong chong lay sang nguoi the nao? hinh anh 3

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương. Ảnh: I.T

Phòng ngừa cúm H5N1 như thế nào?

Để phòng bệnh cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần biết cách tự bảo vệ mình trước dịch bệnh với các nguyên tắc sau:

Tránh tiếp xúc với gia cầm gây bệnh: Nguy cơ bị bệnh cao nhất là khi tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh. Vì vậy, khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương. Không vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm cho dù gia cầm có nhiễm bệnh hay không. Nếu gia đình có nuôi gia cầm thì khi dọn dẹp sân chuồng nên đeo khẩu trang, tiêu hủy chất thải của gia cầm một cách an toàn ở xa nơi sinh hoạt và chăn nuôi. 

Tuân thủ quy tắc an toàn khi giết mổ gia cầm: Đeo khẩu trang, găng tay, cẩn thận để tránh tiếp xúc với chất thải, lông, máu và lòng của gia cầm. Sau khi mổ thì phải rửa tay bằng xà phòng để diệt khuẩn. 

Giữ vệ sinh: Rửa tay trước, trong và sau khi chế biến thức ăn; rửa tay trước và sau khi ăn; rửa tay sau khi tiếp xúc với bất kì bộ phận nào của gia cầm... Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch là tốt nhất vì xà phòng có khả năng sát khuẩn, tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh.

Giữ vệ sinh khi chế biến thức ăn bằng cách dùng riêng dao, thớt cho thức ăn sống và thức ăn chín. Thực phẩm cần nấu chín kỹ, nhất là thịt và trứng gia cầm, vì nếu không các vi khuẩn sẽ không chết đi và vẫn có khả năng gây bệnh.    Đi khám kịp thời: Khi có những dấu hiệu như sốt cao đột ngột (trên 38 độ C), đau đầu, đau nhức cơ, ho khan kéo dài, đau họng, tức ngực dữ dội, khó thở, nghe phổi có tiếng ran, tím tái nhanh, mệt mỏi rã rời, tiêu chảy, rối loạn ý thức thì cần đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Bộ NNPTNT yêu cầu các tỉnh tập trung cao độ phòng chống cúm gia cầm, quyết không để xảy ra dịch

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, từ đầu tháng 1/2020 đến nay, cả nước chỉ có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 chưa qua 30 ngày tại tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, ổ dịch đã được kiểm soát kịp thời; địa phương đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh (3.000 con gà) vào ngày 21/1; đến nay không phát sinh thêm gia cầm bệnh. 

Hiện Việt Nam cơ bản đã có đủ cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Đầu tháng 1/2020, Cục Thú y đã có văn bản gửi các địa phương thông báo về tình hình lưu hành virus cúm gia cầm và khuyến cáo sử dụng các loại vaccine phù hợp với từng chủng, nhánh virus cúm gia cầm.

Lãnh đạo Cục Thú y cũng cho biết, trong quý I/2020, lượng vaccine cúm gia cầm trong kho của các doanh nghiệp có thể cung ứng cho thị trường là 55 triệu liều. Dự kiến cả năm 2020, tổng số vaccine cúm gia sản xuất trong nước và nhập khẩu khoảng 500 triệu liều; trong đó vaccine sản xuất trong nước là 200 triệu liều.

Việt Nam có mật độ chăn nuôi gia cầm cao với tổng số hơn 467 triệu con, nếu không phòng, chống cẩn thận, để xảy ra dịch bệnh sẽ rất phức tạp, trong khi chăn nuôi lợn vừa trải qua dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, Hồ Nam cũng là địa phương rất gần với Việt Nam nên có khả năng lây lan dịch bệnh nếu không ngăn chặn tốt.

Theo đánh giá trong quý I, II thời tiết năm nay rất phức tạp, đặc biệt là nhuận hai tháng Tư âm lịch, nên thời tiết này rất phù hợp với loại dịch bệnh, nhất là trên gia cầm.

Bộ NNPTNT đã có công điện khẩn yêu cầu tất cả các tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Các địa phương đảm bảo quy trình dịch tễ, chăm sóc, chăn nuôi theo đúng quy trình an toàn sinh học, cố gắng cao nhất không để dịch bệnh H5N1 xảy ra đối với gia cầm.

Theo Thiên Ngân/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/cum-gia-cam-h5n1-la-benh-gi-phong-chong-lay-sang-nguoi-the-nao-1056080.html