Cuối tháng 6/2018, chấm dứt tàu cá, ngư dân đánh bắt trái phép
- Thứ ba - 26/12/2017 21:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dự kiến giữa tháng 6.2016, sẽ chấm dứt tàu cá, ngư dân khai thác trái phép vùng biển các nước. (ảnh minh họa)
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết, ngay sau khi ngày 23.10, EC rút thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam, lập tức Bộ Nông nghiệp đã họp báo và đồng thời có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch hành động quốc gia về chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định. Và đồng thời dự thảo chỉ thị trình Chính phủ những giải pháp cấp bách thoát thẻ vàng của EC.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT cũng ký những giải pháp để khắc phục “thẻ vàng” sớm nhất. Dự kiến đến tháng 6.2018, sẽ chấm dứt việc tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp vùng biển các nước. Phấn đấu đến sáu tháng sau khi EC rút thẻ vàng đối với hải sản, tức đến ngày 23.4.2018 sẽ có thể trao đổi với EC đề nghị EC đánh giá lại. Hy vọng trong 6 tháng khi Việt Nam có sự chuyển biến và đề nghị EC sẽ rút thẻ vàng này.
“Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp trong vòng 6 tháng đến 30.6.2018 chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển các nước. Với các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận cần giải quyết là nghề lặn, Bà Rịa Vũng Tàu và các địa phương khác là nghề lưới kéo. Đây là 2 nghề chính vi phạm vùng biển các nước. Thời gian tới, đi tới lộ trình chấm dứt nghề lưới kéo trong tương lai. Trước hết là giám sát tốt nghề, bắt buộc các chủ tàu lắp thiết bị giám sát hành trình, bật 24/24 và kết nối với đài bờ các chi cục thủy sản ven bờ, giám sát được nếu tàu đi khỏi vùng biển Việt Nam sẽ gọi về, nếu không sẽ có biện pháp cứng rắn hơn” – ông Tám cho hay.
Nếu chúng ta không có giải pháp quyết liệt hơn, sẽ rất khó thoát khỏi thẻ vàng này và trong vòng 6 tháng không chứng minh được sự chuyển biến trên thực tế thì lập tức EC không những rút lại thẻ vàng mà rút thẻ đỏ đối với hải sản. Và khi rút thẻ đỏ, thủy sản khai thác của chúng ta sẽ không được xuất khẩu sang thị trường EU. Và tác động không chỉ có hải sản khai thác mà cả đến thủy sản nói chung, kể cả nuôi. Không kể thị trường EU mà kể Mỹ, các thị trường khác sẽ tẩy chay mặt hàng hải sản nói riêng, và thủy sản nói chung” - ông Tám nói thêm.
Ông Hoàng Đình Yên - Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam kiến nghị, cần tập trung hoàn thiện khung pháp lý, và đặc biệt hoàn thiện việc hướng dẫn, các văn bản vi phạm pháp luật, thông tư phù hợp với EC, quy định quốc tế và Luật thủy sản.
“Việc triển khai văn bản quy phạm pháp luật làm sao ban hành chế tài xử phạt nghiêm, đặc biệt là với tàu cá vi phạm vùng biển các nước, hoặc thu mua của các tàu đánh bắt trái phép đem về Việt Nam mà trước đây không bị xử lý, thì ngày nay phải xử lý nghiêm, phải đủ sức răng đe, nghiêm minh, hết sức triệt để. Tăng cường theo dõi giám sát, yêu cầu các tàu phải trang bị hệ thống giám sát, xử lý các tàu khi trang bị nhưng trốn tránh việc quản lý…Chúng ta cần phải vừa tuyên truyền, vừa xử lý theo quy định chặt chẽ…”, ông Yên đề xuất.
Theo Kim Oanh (danviet.vn)