Cứu 530.000 tấn đường ế, nhà máy cay đắng hạ giá bằng đường lậu
- Thứ hai - 02/04/2018 12:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cụ thể, VSSA cho biết, tính đến 15/3, các nhà máy đường trên cả nước đã ép được hơn 8,2 triệu tấn mía, sản xuất 754.265 tấn đường, trong đó có 231.952 tấn đường tinh luyện. Tuy nhiên, tồn kho tại các nhà máy đường tính đến 28.2 lên tới 532.530 tấn, trong đó tại các công ty thương mại cũng đang tồn kho tới hơn 14.000 tấn.
Lượng đường tồn kho tại các nhà máy đã lên tới hơn 532.000 tấn khiến các nhà máy buộc phải hạ giá bán. Ảnh minh hoạ
“Để đảm bảo tiêu thụ được đường, VSSA đã khuyến các các doanh nghiệp trong Hiệp hội cần chủ động giữ chân khác hàng truyền thống, tiếp tục đẩy mạnh phát triển các khách hàng mới. Đồng thời, các nhà máy cũng cần linh hoạt hạ giá thành để tiêu thụ được đường. Dù bị lỗ vốn cũng phải chấp nhận trong lúc khó khăn để sẵn sàng cạnh tranh với đường lậu”, ông Phạm Quốc Doanh – Chủ tịch Hiệp hội VSSA cho biết.
Theo thống kê của Hiệp hội VSSA, hiện đã có nhiều nhà máy chấp nhận lỗ để hạ giá đường xuống chỉ còn khoảng 11.000 đồng nhằm cạnh trạnh với đường lậu. Trong khi cùng thời điểm này năm ngoái, giá đường trên thị trường ở mức 15.000 đồng, tức là đã giảm khoảng 3.500 - 4.000 đồng/kg.
Mặc dù giá đường đã giảm mạnh nhưng VSSA cũng cho biết, cơ bản các nhà máy vẫn giữ giá thu mua mía đã ký kết với người trồng mía. Hầu hết các nhà máy ý thức được vấn đề nếu không giữ giá nông dân sẽ bỏ mía sang trồng cây trồng khác.
“Có thể ở đâu đó xảy ra chuyện mía mua bị chậm, hoặc thanh toán tiền chưa kịp thời với người trồng mía. Nguyên nhân do tiêu thụ chậm hoặc do tồn kho lớn của thế giới nên có một vài ngân hàng chưa kịp thời giải quyết tín dụng cho nhà máy để các nhà máy thanh toán ngay cho bà con nông dân. Ngoài ra, có một số nhà máy bị trục trặc kỹ thuật, dẫn tới ùn ứ tiêu thụ mía cho bà con. Còn bản thân doanh nghiệp rất ý thức, nếu không giữ giá bán, nông dân bỏ không trồng mía sẽ không có nguyên liệu”, ông Phạm Quốc Doanh cho biết.
Các nhà máy mía đường đang gặp nhiều khó khăn do lượng đường tồn lớn, bị đường lậu giá rẻ cạnh tranh gay gắt. Ảnh minh hoạ
Ông Doanh cũng cho biết thêm, ở một vài nơi mía có tình trạng trổ cờ là có thật nhưng không tới mức không tiêu thụ được như các thông tin báo chí phản ánh trong thời gian qua. Thực tế cho thấy, hiện các nhà máy vẫn thu mua mía tại ruộng cho nông dân, với giá thấp nhất là 800.000 đồng/tấn.
Ông Phạm Quốc Doanh cũng cho biết thêm, hiện chỉ có một vài nơi chính quyền một số địa phương tích cực lên tiếng ủng hộ để giải quyết cho khó khăn tiên thụ mía đường, tuy nhiên đa phần còn lại vẫn thờ ơ, thậm chí có ý kiến bất thuận cho ngành mía đường.
“Đặc biệt, chưa có cơ quan quản lý Nhà nước nào lên tiếng hỗ trợ ngành mía đường, trong khi VSSA chưa yêu cầu giải cứu mà chỉ cần những gì Hiệp hội đề xuất, kiến nghị cần sớm trả lời để giải tỏa từng nút thắt một cho ngành mía đường vượt qua khó khăn trong giai đoạn này”, ông Doanh nói.
Theo Thanh Xuân (danviet.vn)