Đặc điểm hệ tiêu hóa hươu sao
- Thứ hai - 27/03/2017 05:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hệ thống tiêu hóa gồm xoang miệng có răng, lưỡi, các tuyến tiêu hóa để lấy và đưa thức ăn vào hệ thống tiêu hóa. Thực quản là ống nối giữa xoang miệng và dạ dày dê hướng và vận chuyển thức ăn từ xoang miệng xuống dạ dày. Dạ dày túi (4 túi) là nơi thức ăn được lên men và tiêu hóa cơ học, vi sinh vật và hóa học. Hệ thống ruột gồm ruột non, ruột già làm nhiệm vụ tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng và vận chuyển thức ăn từ dạ dày xuống trực tràng để bài tiết ra ngoài. Các tuyến tiêu hóa như: gan, mật, tuy… tham gia quá trình tiêu hóa thức ăn bằng các dịch vị.
Hươu sao cũng như nhiều động vật ăn cỏ có hàm răng cửa khá phát triển với chức năng cắt, xé và nghiền thức ăn, không có răng hàm (Hươu có 32 răng).
Dạ dày hươu sao có cấu tạo phức tạp với 4 túi:
dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách, dạ múi khế. Trong 4 túi, dại cỏ có dung tích lớn nhất từ 6 - 10 lít, là nơi chứa đựng lượng thức ăn ban đầu trong quá trình tiêu hóa. Nhờ sự nhu động nhẹ nhàng qua thành dạ cỏ, thức ăn được xáo trộn và nhào luyện thêm với nước để tiếp tục di chuyển xuống dạ tổ ong.
Trong giai đoạn ở dạ cỏ, nhờ hệ vi sinh vật và hệ men tiêu hóa, các chất xơ bước đầu phân giải thành đường đơn và chất béo. Trong giai đoạn nhai lại, các mảnh xơ tiếp tục được nghiền, xé và trộn lẫn với vi sinh vật, men tiêu hóa ở dạ cỏ.
Ở dạ tổ ong những thức ăn còn thô lại được hươu sao ợ lên miệng để nhai lại. Trong lần nhai lại này, thức ăn được nhào luyện với nước bọt lần nữa rồi đi xuống dạ lá sách.
Qua dạ lá sách, thức ăn được chuyển xuống múi khế. Khác với dạ cỏ, dạ tổ ong và lá sách không có các tế bào tiết dịch tiêu hóa, ở dạ múi khế có các tế bào tuyến tiết dịch vị phân giải các chất dinh dưỡng. Dạ múi khế có vai trò tương tự như dạ dày đơn của các loài động vật ăn thịt…
Hệ vi sinh vật dạ cỏ có vai trò rất quan trọng trong quá trình tiêu hóa và phân giải thức ăn. Các vi sinh vật dạ cỏ còn có khả năng tự tổng hợp được các loại vitamin nhóm B và nhóm K. Khi qua dạ múi khế, toàn bộ hệ vi sinh vật trộn trong thức ăn đều bị dịch vị tiêu hóa ở đây diệt sạch, chuyển thành nguồn đạm chính cung cấp cho hươu.
Đây là đặc điểm rất quan trọng, trong thực tế hươu không cần phải ăn nhiều thức ăn giàu đạm mà vẫn có đủ đạm để nuôi cơ thể mình. Quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng chủ yếu diễn ra ở ruột non. Vì vậy, hươu sao có ruột non khá dài và mỏng như ruột thỏ. Bên trong thành ruột có hệ thống lông nhung để tăng khả năng hấp thụ lên nhiều lần. Ruột non dài trung bình từ 18 - 25m gấp 10 -15 lần chiều dài thân.
Những chất không hấp thụ được hoặc còn rất ít chất dinh dưỡng tiếp tục chuyển xuống ruột già. Ruột già với chức năng chủ yếu hấp thụ nước và những chất dinh dưỡng còn sót. Vì vậy. các chất xơ thải về nuôi ruột già trở nên khô dần và cô thành viên phân đặc, sau đó được thải ra ngoài. Vì năng lượng và vật chất tích lũy được ở cây xanh thấp, để đảm bảo cho sự duy trì và phát triển của mình, hươu sao phải ăn nhiều và thải các chất cặn bà thường xuyên. Trung bình từ 30 phút đến 1 giờ chúng bài tiết một lần, mỗi lần khoảng 40 - 50 viên, có khi hàng trăm viên.
Đặc điểm của quá trình tiêu hóa còn cho thấy, nếu nguồn thức ăn ăn vào tăng lên thì thời gian lưu giữ thức ăn trong hệ thống tiêu hóa cũng như khả năng tiêu hóa bị giảm xuống. Nghiên cứu về các vấn đề nêu trên không chỉ có ý nghĩa lý thuyết mà còn có ý nghĩa trong nuôi hươu sao với hình thức cho ăn từng ít một và nhiều lần trong ngày sẽ làm tăng khả năng tiêu hóa, tiết kiệm thức ăn và năng lượng hao phí trong quá trình dinh dưỡng.
Nguồn: huougiong.com