Dân bán lúa tươi cho thương lái ngay tại ruộng
- Thứ bảy - 28/02/2015 00:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người dân Đồng Tháp thu hoạch lúa - Ảnh: Thành Nhơn |
Ngay trước thời điểm chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2014-2015 được triển khai, thị trường lúa gạo tại ĐBSCL vẫn gần như lặng sóng khi có rất ít biến động.
So với thời điểm trước Tết Nguyên đán, hiện giá lúa tươi IR50404 dao động ở mức thấp từ 4.200-4.300 đồng/kg, giá lúa Jesmin 68 là 5.000 đồng/kg, còn giống lúa OM 6976 ở mức 4.600 đồng/kg. Trong khi đó, doanh nghiệp còn chờ phân bổ chỉ tiêu mua lúa tạm trữ nên nông dân phải bấm bụng bán lúa tươi tại ruộng với giá thấp.
Giá thấp vẫn phải bán
Mặc dù đã thu hoạch lúa được gần một tuần nhưng ông Trần Văn Dững (xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) vẫn quyết định giữ lại hơn 15 tấn lúa để chờ xem giá lúa có nhích lên hay không sau khi có thông tin Chính phủ quyết định mua lúa tạm trữ.
Tuy nhiên, nhiều ngày qua giá lúa biến động không đáng kể. Theo ông Dững, giá lúa có nhích lên 100-200 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán nhưng trước đó giá lúa có thời điểm tụt đến 400 đồng/kg, nên mức giá đã tăng vẫn còn quá thấp so với mọi năm.
“Kiểu này chắc tui không chờ được nữa. Mặc dù giữ lại sẽ bán được giá cao hơn nhưng tui còn thanh toán tiền công, phân, giống cho đại lý và chuẩn bị chi phí cho vụ mùa tới” - ông Dững nói.
Tương tự, ông Mai Hữu Danh (xã Phú Cường, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) cho biết do không có điều kiện phơi sấy, kho bãi tạm trữ chờ giá nên phải “bấm bụng” bán hơn 7 tấn lúa tươi cho thương lái ngay tại ruộng.
“Giá thành sản xuất lúa khoảng 3.700 đồng/kg. Với mức giá mua 4.200 đồng/kg, trung bình 1ha lúa lãi chỉ 8 triệu đồng. Chia cho bốn nhân khẩu trong gia đình, mỗi người chỉ có 2 triệu đồng để chi tiêu trong ba tháng sắp tới” - ông Danh chia sẻ.
Còn ông Đặng Văn Năm, nông dân xã Hậu Mỹ Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết để có lúa đông xuân bán sớm, ruộng lúa nhà ông phải tham gia góp tiền làm đê bao, tốn thêm công bơm tát nhưng khi thu hoạch, chờ hoài không thấy Nhà nước công bố mua tạm trữ, giá lúa đứng ở mức thấp hoài không chịu nhích lên.
Hơn 10 tấn lúa thu hoạch xong đành phải bán để lấy tiền giải vây cho chi phí mùa vụ. Cứ tính giá lúa nhích lên 200 đồng thì coi như tui mất 2 triệu đồng.
Trong khi đó, dù chưa thu hoạch lúa nhưng ông Mai Tân Tiến, giám đốc HTX Tân Tiến (xã Phú Đức, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) đứng ngồi không yên, bởi đến thời điểm hiện tại giá lúa vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Ông Tiến so sánh lúa Jesmin 85 đang được các thương lái mua tại ruộng với mức giá 5.000 đồng/kg, giảm khoảng 100 đồng so với thời điểm trước tết nên hầu hết xã viên vẫn chưa được hưởng lợi từ chính sách mua tạm trữ của Chính phủ.
“Trong đợt này, HTX thu hoạch trên 380ha, năng suất ước đạt 7 tấn/ha. Chỉ cần giá lúa nhích lên hay giảm xuống 100 đồng/kg, toàn HTX sẽ có thêm hoặc thiệt hại 250 triệu đồng. Điều đó cho thấy giá lúa ảnh hưởng lớn như thế nào đến đời sống bà con xã viên” - ông Tiến cho biết.
Doanh nghiệp chờ phân bổ
Ông Đoàn Văn Hiền, giám đốc Công ty TNHH XNK Lộc Anh (Đồng Tháp), cho biết công ty hiện vẫn thực hiện mua diện tích lúa đã bao tiêu trước đó đối với các HTX trên địa bàn tỉnh. Mặc dù giá lúa liên tục giảm nhưng công ty vẫn cố gắng giữ mức giá mua lúa gạo của nông dân cao hơn giá thị trường từ 100-200 đồng/kg.
Cụ thể, công ty đang mua với mức giá 5.180 đồng/kg đối với giống lúa Jesmin 85 và 4.700 đồng/kg đối với giống lúa OM 6976, thấp hơn mọi năm khoảng 300 đồng/kg.
Ngoài ra, ông Hiền cho biết công ty cũng vừa đăng ký mua tạm trữ 65.000 tấn gạo nhằm đón đầu những tín hiệu tích cực từ thị trường. “Mọi năm công ty đều đăng ký mua tạm trữ với số lượng lớn và đều bán hết trong quý 2.
Thật sự nhu cầu gạo của thị trường thế giới rất lớn, do vậy những công ty chuyên mua xuất khẩu gạo phải thật bình tĩnh trong lúc này. “Đầu quý 2 mới là thời điểm sôi động của thị trường lúa gạo khi nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, Philippines, Malaysia được ký kết” - ông Hiền chia sẻ.
Trong khi đó ông Nguyễn Văn Đôn, giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), lại tỏ ra khá dè dặt khi đánh giá thị trường tiêu thụ lúa gạo trong thời điểm tới. “Đây là vụ lúa có năng suất, sản lượng và chất lượng cao nhất trong năm, do đó dễ bị các nước khác hạ thấp giá đấu thầu.
Mặt khác, thị trường xuất khẩu gạo vẫn chưa có nhiều tín hiệu tích cực khi chỉ quanh quẩn ở các thị trường truyền thống. Đợt vừa rồi, tính luôn 4.800 tấn lúa từ 600ha cánh đồng mẫu lớn đã bao tiêu trước đó, doanh nghiệp chỉ dám đăng ký mua tạm trữ 10.000 tấn gạo trong thời gian tới” - ông Đôn dè dặt đánh giá.
Tính đến thời điểm này, ông Trần Tấn Đức, giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp, vẫn chưa nhận được chỉ tiêu phân bổ mua tạm trữ cụ thể. “Công ty đã đề xuất mua tạm trữ 40.000 tấn gạo và đang chờ phân bổ chỉ tiêu cụ thể.
Trong thời gian chờ đợi, công ty vẫn tiếp tục đẩy mạnh mua lúa gạo của nông dân với trữ lượng mua bình quân ước đạt 1.000 tấn gạo, tương đương 2.000 tấn lúa mỗi ngày” - ông Đức cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Công, giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, phải chờ đến ngày 1-3 mới biết chính xác cụ thể sản lượng lúa gạo mà mỗi tỉnh được phân bổ. “Tính đến thời điểm này tôi đã nhận được trữ lượng đăng ký mua cụ thể của từng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhưng chưa thể phản hồi được vì chưa nhận được chỉ tiêu mua tạm trữ mà tỉnh được phân bổ. Ngay sau khi có thông báo cụ thể, tỉnh sẽ thông qua đầu mối Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân giao chỉ tiêu mua tạm trữ lúa gạo cho các doanh nghiệp” - ông Công cho biết. Tương tự, ông Nguyễn Văn Công, phó giám đốc Sở Công thương Tiền Giang, cho rằng phải đến ngày 1-3, tức sau cuộc họp do VFA tổ chức ở Cần Thơ, mới biết chính xác các doanh nghiệp trong tỉnh được phân bổ bao nhiêu và cho dù có biết được phân bổ bao nhiêu cũng không thể điều chỉnh gì được. Trong khi đó, đến nay Đồng Tháp đã thu hoạch 124.800ha trong tổng số 208.000ha và Tiền Giang cũng có đến gần 10.000ha/76.000ha. Đến ngày 1-3, con số này sẽ tăng nhiều hơn. |